Bí mật công khai và bỏ ngỏ
Hà Duy Linh (27 tuổi, tên thật Hà Thị Diệu Linh) sau bốn năm âm thầm dùng hormon nam, gần đây đã công khai câu chuyện của mình. “Sinh ra là gái, từ nhỏ tôi đã tự thấy mình là trai. Năm19-20 tuổi, tôi thấy mình thiếu gì đó mà không biết khoảng trống là gì”. Linh mất vài năm để tìm ra loại hormon phù hợp với mình. Không cơ sở y tế nào cho phép làm nên Linh rủ mấy người bạn cùng giới tiêm cho nhau. “Có nhiều rủi ro rình rập như tiêm nhầm vào mạch máu, sốc phản vệ, áp-xe, thuốc giả... không ít người đã mất ngay khi vừa sử dụng. Khao khát được là chính mình, chúng tôi đã đánh đổi mạng sống và những mối quan hệ như gia đình, người yêu từ bỏ”.
Trưởng mạng lưới NCG VN Vũ Hoàng Mai Châu (tên thật Vũ Tiến Mạnh) chia sẻ: “Chúng tôi chưa thực sự tự tin với bản thân mình đâu. Khi đi máy bay, check-in khách sạn, khám chữa bệnh... chúng tôi luôn phải chứng minh, giải thích vì tên nam giới trong giấy tờ”. Có nhiều người bạn của Mai Châu đi chuyển giới nữ từ Thái Lan về vẫn có giấy gọi nghĩa vụ quân sự. Họ rất khổ tâm khi phải sinh hoạt trong môi trường toàn người “khác giới”. Nếu để lộ thân phận thì “thôi xong”.
NCG nữ Lê Ánh Phong, thổ lộ không phải vô cớ mà nhiều NCG nữ trốn dao kéo phần kín “Hồi 2013 sau ca phẫu thuật, vùng kín của tôi luôn có xu hướng khép miệng. Để nó không bị bít lại, tôi phải nén đau thường xuyên luyện tập 2 lần/ngày trong vòng 6 tháng”. Phong đã giữ thói quen tập gym đều đặn cho đến bây giờ.
Cho dù được đối xử bình đẳng thì luôn phải sống với “tình yêu mong manh” vì chúng tôi không có khả năng làm mẹ. Kể cả gặp được người rất thương yêu mình thì một ngày nào đó họ muốn có con họ sẽ bỏ mình, Ánh Phong buồn rầu nói.
NCG nam cũng có mặc cảm khi việc cấy ghép bộ phận sinh dục nam phức tạp và ít đạt hiệu quả như phần của nữ. Ngoài ra mặc cảm lột xác từ cô gái thành chàng trai vóc dáng bé nhỏ cũng khiến họ bớt phong độ.
Một NCG nữ (Hải Phòng) giấu tên chia sẻ “Tôi cũng như một số đông NCG nữ chỉ dùng hormon nữ và phẫu thuật ngực còn phần kín không can thiệp. Phần vì sợ đau nhưng có một lý do ít ai dám nói ra là họ sợ mất khoái cảm sau khi dao kéo”. Với một số thì “cơ thể họ ổn hơn khi để lại”. Đa số chúng tôi sợ không được công nhận “chuẩn nữ”, nhiều người “để lại” nhưng vẫn khoe với nhóm là “đã can thiệp”. Tin vui cho cộng đồng “không phẫu thuật” là Dự thảo Luật CĐGT, hiện cũng đang nghiêng về phương án hoặc chỉ cần sử dụng hormon liên tục trong hai năm hoặc người thực hiện can thiệp ngoại khoa sẽ được công nhận là người CĐGT.
Cửa ải gia đình
Sau ba năm tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế, bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” (đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus) đã trụ được tới bốn tuần tại các rạp của Pháp. Câu chuyện chân thật của NCG nữ Lê Ánh Phong (tên thật Lê Quốc Phong) đã thu hút khán giả, các nhà làm phim tại Mỹ và châu Âu. Sau mỗi buổi chiếu, trong phần giao lưu, hai câu hỏi mà họ thường hỏi Phong nhất là: “Ba má bạn hiện giờ có khỏe không?” và “NCG, đồng tính ở Việt Nam có bị kỳ thị nhiều không?”. Có vẻ như khán giả Tây thích những người thân trong gia đình Phong nhiều hơn cả Phong”. Họ thích đoạn ông cụ 90 tuổi, ba của Phong không quá khó khăn để chấp nhận con trai mình chuyển giới. Trong khi đó anh chị cả “đồng ý việc thằng em mình chuyển giới nhưng lại không thể quen được với việc một đứa không hẳn trai không hẳn gái từ đâu bỗng rơi vào nhà”.
Trước khi chuyển giới, hầu như đêm nào Phong cũng khóc vì tủi phận “hồn lạc xác” và thương ba má. Trước ngày Phong lên đường đi Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính (CĐGT) má nói “Con có quay lại được không, má chỉ muốn con mãi là thằng Bo ngày xưa thôi”. “Con quay lại được nhưng làm thế thì con khổ lắm. Con muốn sống đúng con người của con. Má vui thì con mới có động lực đi”. Má cười ôm con rồi quay lưng đi. Phong biết má khóc. “Hình ảnh này cứ ám ảnh tôi mãi”.
Giờ thì cả gia đình đều tự hào về cô gái út trong nhà bảy con. Nói về xã hội kỳ thị, Phong cho rằng nhiều gia đình tẩy chay, từ bỏ đứa con giới tính khác thường “huống chi người dưng”. Nhiều bạn trẻ ở các tỉnh bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà, bỏ học cấp ba, đi lang thang kiếm sống. “NCG thế hệ tôi hầu như không được học đại học và có nghề nghiệp ổn định, đa số làm nghề liên quan đến làm đẹp, số ít làm ca sĩ”. Có nhiều người trong hình dạng “nửa nam nửa nữ” đã bị từ chối khi phỏng vấn xin việc mặc dù họ có năng lực. Từ Quảng Ngãi ra Hà Nội học đại học, Lê Ánh Phong hiện là họa sĩ thiết kế Nhà hát múa rối Thăng Long, cô là một trong số hiếm hoi NCG trụ lại thủ đô làm việc theo đúng ngành mình yêu thích.
"Hiện VN có khoảng 300.000 người mong muốn được chuyển giới. Phẫu thuật CĐGT rất tốn kém, có nhiều rủi ro. Có nhiều người muốn CĐGT nhưng không có tiền hoặc mắc bệnh tâm lý không muốn phẫu thuật. Có người chỉ có tiền phẫu thuật ngực mà không có tiền phẫu thuật bộ phận sinh dục. Vì tính chất nhân văn và theo thông lệ đa số quốc gia trên thế giới, Việt Nam không bắt buộc điều kiện phải phẫu thuật CĐGT mới được công nhận đã CĐGT”.
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế)