Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Được đích thân Pele khen ngợi và dự đoán sẽ trở thành “Pele mới”, những tưởng Nii Lamptey sẽ thẳng tiến tới đỉnh cao bóng đá thế giới. Nhưng không, bi kịch cũng bắt đầu từ đó.
Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’ ảnh 1

Nii Lamptey sinh ra ở Accra, thủ đô Ghana, vào năm 1974. Vì bố mẹ ly hôn, Lamptey sống với mẹ ở nhà bà ngoại, hứng chịu các cuộc bạo hành kéo dài của những người anh em họ. Lớn hơn một chút, Lamptey chuyển đến ở với bố, hy vọng cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Nhưng không, ông bố nghiện rượu cùng bà mẹ kế ác nghiệt khiến cậu rơi vào địa ngục. Sau này trưởng thành, khắp người Lamptey là những vết sẹo do bị đánh bằng thắt lưng da hoặc đầu thuốc lá nóng đỏ.

Lamptey sợ phải về nhà. Cậu lang thang và ngủ dưới gầm xe tải hoặc trong thùng các tông ngoài chợ. Lamptey cũng không muốn đến lớp, điều mà khi lớn lên, cậu sẽ phải trả giá đắt vì điều đó. Thời gian chủ yếu được dành cho bóng đá. Bóng đá là thú vui, cũng là lối thoát cho Lamptey. Đôi khi không có bóng, cậu chơi đùa với quả cam hỏng ngoài chợ, hoặc bất cứ gì đó có thể đá.

Vì quá giỏi, Lamptey được mời gia nhập một CLB có tên Cornerstones, sau đó được chọn vào đội tuyển Ghana thi đấu ở U16 World Cup. Đó là tháng 6/1989, khi Lamptey mới 14 tuổi. “Tôi là người trẻ nhất trong đội”, Lamptey nói với tờ The Athletic, “Được chơi cho đội tuyển quốc gia là một giấc mơ có thật. Vào những ngày đó, bố mẹ cấm và trừng phạt nếu tôi chơi bóng đá. Vì vậy, gia nhập đội tuyển giống như một sự thừa nhận với tôi”.

Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’ ảnh 2

Vua bóng đá Pele tới Scotland dự khán các trận U16 World Cup 1989. (Ảnh: Getty Images)

U16 World Cup năm đó được tổ chức tại Scotland. Pele khi ấy 48 tuổi đang làm đại sứ của FIFA, là khách mời danh dự trong trận khai mạc giữa chủ nhà Scotland với Ghana. Sau khi chứng kiến màn trình diễn của Lamptey, ông chọn cậu bé này là cầu thủ xuất sắc nhất trận, đồng thời nói “đây chính là truyền nhân của tôi, người có thể tái hiện những gì tôi đã làm”.

Ngày đó Lamptey còn không biết Pele là ai, cũng không nhận thức đầy đủ lời khen ngợi của Vua bóng đá. “Vài năm sau tôi mới biết Pele, sau đó mới tìm xem những đoạn băng về ông ấy cũng như Diego Maradona, cuối cùng hiểu ý nghĩa điều mà Pele nói về tôi”, Lamptey cho biết.

Trở về quê nhà với giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất U16 World Cup, mong muốn thoát khỏi cuộc sống địa ngục, Lamptey đưa toàn bộ số tiền thưởng ít ỏi cho một người lái taxi để vượt biên trái phép tới Nigeria. Rồi cậu gặp Stephen Keshi, trung vệ đang chơi cho CLB Anderlecht của Bỉ, giả làm con trai cầu thủ này để tới Bỉ.

Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’ ảnh 3

Lamptey (áo vàng) khoác áo ĐTQG Ghana khi mới 16 tuổi. (Ảnh: Getty Images)

Anderlecht ban đầu không tin đây là Lamptey, cho đến khi cậu ra sân và thể hiện tài năng. Không bao lâu, Lamptey được ra mắt đội một khi mới 16 tuổi (thực chất là 15 tuổi, vì giấy tờ trên hộ chiếu bị sai ngày sinh). Tổng cộng, Lampatey có 16 lần ra sân trong mùa giải 1990/91, bao gồm cả trận đấu ở Cúp châu Âu gặp Roma mà anh đã ghi bàn. Tháng 4/1991, Lamptey cũng lần đầu khoác áo ĐT Ghana tại vòng loại CAN Cup. Lamptey tiếp tục nổ súng ở trận đó.

Lamptey cũng tiếp tục là cầu thủ xuất sắc nhất U17 World Cup, giải đấu có sự tham gia của Alessandro Del Piero, rồi cùng Ghana đoạt huy chương Đồng tại Olympic Barcelona 1992, Á quân U20 World Cup 1993. Sự thăng tiến vũ bão của Lamptey khiến người ta tin rằng Pele đã đúng.

Thật không may, những điều tồi tệ dần đến. Vì quá ngây thơ và không biết đọc biết viết, Lamptey hoàn toàn phụ thuộc vào người đại diện Antonio Caliendo. Gã này lừa anh ký hợp đồng độc quyền, sau đó đưa thân chủ vào rất nhiều vụ chuyển nhượng để trục lợi.

Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’ ảnh 4

Lamptey có thời gian ngắn chơi bóng ở Anh trong màu áo Aston Villa. (Ảnh: Getty Images)

Trong 15 năm, từ 1993 đến khi giải nghệ năm 2008, Lamptey khoác áo 13 đội khác nhau, Ở Hà Lan, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức rồi sang Argentina, tới cả Trung Quốc và UAE trước khi trở lại châu Phi, chơi cho đội bóng ở Nam Phi và Ghana.

Điều đáng buồn là Lamptey không thể tái hiện phong độ đỉnh cao. Bất cứ cầu thủ nào, kể cả siêu sao, cũng cần thời gian để hòa nhập. Thế nhưng không ai chờ Lamptey. Cái mác “Pele mới”, “cầu thủ được Pele chọn” buộc anh phải tỏa sáng ngay lập tức. Tất cả cũng mong đợi Lamptey chơi với tiêu chuẩn cao nhất, mà nếu không thể đáp ứng, anh sẽ nhận lại sự chế giễu và tiếng la ó.

“Ban đầu, việc được so sánh với Pele thật tuyệt. Nhưng rồi, sau một thời gian, việc bị coi là ‘Pele mới’ mang lại cho tôi rất nhiều áp lực. Ai cũng đòi hỏi tôi phải chơi như Pele. Đó là điều không thể”, Lamptey nói trong buồn bã.

Bi kịch Nii Lamptey, người được Pele chọn trở thành nạn nhân lớn nhất của ‘lời nguyền Vua bóng đá’ ảnh 5

Lamptey hiện 48 tuổi, điều hành một Học viện bóng đá ở Ghana. (Ảnh: Getty Images)

Sự nghiệp xuống dốc, cuộc đời anh cũng không may mắn hơn. Con trai đầu của anh mất vì bệnh phổi, căn bệnh cũng cướp đi cô con gái thứ hai của anh vào 3 năm sau. Lamptey vẫn còn 3 đứa con nữa. Nhưng rồi kết quả xét nghiệm ADN nói với anh rằng chúng là con người khác.

Bây giờ Lamptey đã 48 tuổi và đang điều hành một Học viện bóng đá. Anh không chỉ dạy chúng chơi bóng, mà còn chú ý cả giáo dục văn hóa. Lamptey không muốn tạo nên những cầu thủ mù chữ, để rồi lặp lại bi kịch của anh.

Năm 2019 anh cũng xuất bản một cuốn sách với tiêu đề “Lời nguyền Pele” kể về cuộc đời chính mình. Tuy không đổ lỗi, nhưng Lamptey cho rằng tiên đoán của Vua bóng đá là một phần nguyên nhân khiến sự nghiệp anh đi chệch hướng.

MỚI - NÓNG