Một tiếng nổ lớn phá vỡ sự yên tĩnh của Bauru, thị trấn ở vùng trung tây của bang Sao Paulo, Brazil. Đó là chiếc máy bay nhỏ của CLB Hàng không Bauru. Nó có nhiệm vụ kéo chiếc tàu lượn vào không trung, môn thể thao đang rất nổi ở thị trấn này vào cuối thập niên 1940. Nhưng hôm ấy phi công gặp sự cố. Máy bay rơi. Và có người chết.
Liền theo sau là những bước chân rầm rập đổ về nơi xảy ra thảm họa. Là tiếng chân trần trên nền đất chắc nịch của đám trẻ. Chúng đang chơi đá bóng, nhưng đây là một sự kiện lớn mà không đứa nào muốn bỏ lỡ. Việc sắp được xem một xác chết làm chúng phấn khích. Nghe thật điên rồ, nhưng nhắc lại, đây là những năm 1940, thời kỳ có quá ít thứ khuấy động cuộc sống.
Thật không may, chúng đã đến muộn. Thi thể người phi công xấu số đã được mang đi, chỉ còn lại đống đổ nát không có gì thú vị. Vì vậy bọn trẻ lại lên đường một lần nữa. Chúng đến nhà xác.
Trong đám trẻ da đen cháy và mặc những chiếc áo giống nhau, đều được làm bằng bao bố chuyên đựng lúa mỳ, có một đứa đôi mắt rất linh hoạt. Nó tên Dico, 8 tuổi. Dico ghét đến trường, bởi khi đến, nếu không bị phạt nhét giấy vào mồm vì tội nói chuyện riêng thì cũng phải quỳ trên đống hạt ngô do nghịch ngợm.
Trước đây Dico chuyên nhặt đậu phộng rơi ra từ tàu hỏa đem bán lấy tiền. Sau một thời gian tích cóp, cậu sắm được bộ đồ nghề đánh giày và lang thang khắp nơi. Hay ghé qua CLB Hàng không, Dico nảy sinh giấc mơ trở thành phi công. Nhưng để thành phi công phải học giỏi. Chà, cái này khó đấy.
Đúng lúc phân vân thì máy bay rơi. Và lúc này Dico đã có mặt ở cửa sổ nhà xác, hé mắt vào nhìn người ta khám nghiệm tử thi. Hỡi ôi, thật là một trải nghiệm hãi hùng. Dico kinh hoàng bỏ chạy, nhưng hình ảnh máu me vẫn ám ảnh cậu đến mãi về sau. Giấc mơ phi công kết thúc ngay lập tức. Dù sao thì Dico cũng không cần phải cố học nữa.
Có điều Dico cần một giấc mơ mới. Và cậu có nó ngay. Nói chính xác là trở về với giấc mơ cũ: bóng đá. Bố của Dico, ông Dondinho là một cầu thủ chính hiệu (vậy nên nhà Dico mới nghèo, bữa tối nhiều khi chỉ có lát chuối với tấm bánh mỳ). Dondinho vẫn thường đưa con tới sân xem ông thi đấu. Có lần ngồi trên khán đài, cậu cầm gạch choảng luôn một thanh niên lớn tuổi chỉ vì gã này chửi bố mình.
Dico không ngại thách thức những kẻ lớn hơn, bởi cậu vẫn thường đối đầu và đánh bại họ trên sân bóng. Nói sân bóng để dễ hình dung, thực chất đó là đường phố, bãi rác hay bất cứ nơi nào ở Bauru đủ rộng. Quả bóng thì được làm bằng giấy hoặc vải vụn nhồi trong tất. Sau mỗi trận đấu, nhiều nhà quanh khu phát hiện quần áo và bít tất đã biến mất khỏi dây phơi.
Rất nhanh Dico phát hiện ra bóng đá thú vị hơn làm phi công nhiều. Chỉ mỗi cái nó mang đến một phiền toái. Không ai biết đích xác vì sao và từ khi nào, Dico được gọi là Pele. Nó hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Bồ Đào Nha. Và với Dico, nghe cũng chẳng hay. Cậu từng đấm một đứa bạn vì nó gọi biệt danh này. Nhưng trong thế giới trẻ con, khi đám bạn phát hiện ra một đứa ghét điều gì, chúng sẽ làm cho nó phát điên.
Kể từ đó không ai còn nhớ tới biệt danh cũ Dico, hay cái tên khai sinh Edson Arantes. Rồi từ khu phố Bauru lan ra cả thế giới, từ những năm cuối 1940 cho đến hiện tại, và cả mai sau, tất cả đều gọi Pele.
Pele chỉ bắt đầu thích được gọi là “Pele” khi lần đầu tận hưởng niềm vui chiến thắng. Số là Pele từ lập nên đội bóng lấy tên 7/9 (Quốc khánh Brazil), sau đổi thành “Đội không giày”, vì tất cả đều đi chân không. Tới một ngày, thị trưởng Bauru tổ chức giải bóng đá trẻ và Pele cùng chúng bạn háo hức được tham gia. Thế nhưng “Đội không giày” bị từ chối. Lý do là không giày.
Cuối cùng Mạnh Thường Quân xuất hiện. Ông này là phụ huynh của 3 đứa trong đội, nhà cũng khá giả. Ông tài trợ với điều kiện phải đổi tên đội thành Ameriquinha, và đám trẻ phải đá cho thật ngon lành.
Ban đầu những cậu nhóc quen đi đất khá chật vật để làm quen với thứ cứng ngắc bọc lấy chân. Nhưng trận đấu diễn ra và chúng bắt đầu thể hiện bản thân, nhất là Pele. Ameriquinha vào tới tận chung kết và sau đó vô địch ngay trên sân vận động địa phương, nơi ông bố Dondinho của Pele vẫn đá. Cảm giác được tung hô thật tuyệt vời. Khắp khán đài người ta gọi tên “Pele”, Vua phá lưới của giải đấu. “Cái tên này nghe cũng không tệ”, vị Vua tương lai của bóng đá thế giới nghĩ.
Pele vẫn phải đi thêm một chặng ngắn nữa để trở thành nhà Vua. Cậu chơi cho Baquinho, đội trẻ Bauru, dẫn đội tới 3 chức vô địch liên tiếp. Sau đó năm 14 tuổi, Pele gia nhập đội Radium của Đài phát thanh, trở thành chuyên gia ghi bàn trên sân cỏ và cậu bé bán bánh nướng nhân thịt ở nhà ga khi không có bóng đá.
Rồi Pele cũng tốt nghiệp trung học, muộn 2 năm so với chúng bạn. Lẽ dĩ nhiên cậu phải đi làm. Một nhà máy giày tiếp nhận Pele. Nếu công việc đó không đủ sống, cậu phải làm thêm ở tiệm giặt khô.
Thế nhưng Pele không được sinh ra để làm công nhân. Định mệnh chọn ông là Vua. Vì vậy ở tuổi 15, Pele tới Santos. Anh ghi bàn ngay trận ra mắt. Sang tuổi 16, Pele đã là ngôi sao trong đội và Vua phá lưới của giải đấu, sau đó được gọi lên tuyển Brazil, tiếp tục nổ súng ở trận đầu tiên và trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho Selecao, một kỷ lục cho đến nay vẫn chưa ai phá được.
Những gì mà nhiều người cố gắng để đạt được, Pele thực hiện thật dễ dàng. Câu hỏi là làm thế nào Pele có thể, khi không phải rất cao (chỉ cao 1m73), thậm chí hồi mới gia nhập Santos còn bị coi là thiếu tiêu chuẩn và suýt nữa bỏ về?
Trong bài báo viết năm 1975 của New York Times, một tiết lộ y tế cho hay, nhịp tim của Pele khi tập luyện khoảng 56-58 lần/phút, trong khi trung bình các vận động viên khác đập 90-95 lần/phút. Khả năng hô hấp hiếu khí của Pele cho phép ông tái thực hiện một hành động lớn chỉ trong vòng 45 đến 60 giây. Tầm nhìn ngoại vi của ông cũng lớn hơn 30% so với người thường. Ông cũng hoàn thành quãng đường 100m với 11 giây và có thể nhảy cao 1,8m.
Chưa hết, học lực kém của Pele không xuất phát từ việc ông kém thông minh. Chỉ là ông không thể tập trung nghe giảng và có quá nhiều mối bận tâm khác. Một trường Đại học từng nghiên cứu Pele trong nhiều ngày, cuối cùng kết luận “nếu Pele muốn làm gì, kể cả thể chất hay đòi hỏi tư duy, đều thực hiện với tư cách thiên tài”.
Pele cũng nói rằng Chúa hào phóng với ông hơn so với những người khác. “Trên sân bạn cần sự cân bằng, sức mạnh, tiếp theo là tốc độ của đôi chân và của tư duy. Nhưng tôi còn một thứ khác nữa. Chính là bản năng mà Chúa ban tặng. Từ những tình huống hoàn toàn không có gì nguy hiểm, đột nhiên hai hoặc ba giây sau, tôi ghi một bàn thắng”, ông nói.
Đó là lý do Pele đã ghi cả ngàn bàn thắng trong sự nghiệp. Con số chính xác là 1.281 bàn, theo báo cáo ban đầu của FIFA. Sau này cơ quan thống kê bóng đá IFFHS đưa ra con số khác thấp hơn nhiều (775 bàn). Họ loại bỏ các bàn khi thi đấu giao hữu cấp độ CLB hoặc chơi cho đội của bang Sao Paulo. Tranh cãi về số bàn thắng của Pele nảy sinh ở kỷ nguyên hiện đại, khi cơ cấu tổ chức bóng đá hoàn bị.
Nó không phải vấn đề của Pele. Trong những năm tháng oanh liệt của mình, ông chỉ biết ra sân, ghi bàn và ghi bàn. Dù thời ấy, quả bóng không tròn và nặng hơn bây giờ; sân cũng cứng, mấp mô, ít cỏ; và Pele phải chơi 2 trận mỗi tuần trong 10 tháng liên tục mỗi năm, không có đội ngũ y tế hay chuyên gia vật lý trị liệu, phòng áp khí và bể sục, bồn tắm đá.
Khi Lionel Messi vô địch World Cup 2022, hầu hết đều nói rằng siêu sao người Argentina đã vượt qua Pele, trở thành Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá.
Ít người biết, hoặc cố tình bỏ qua, Pele đã làm mọi thứ mà Messi đã làm, thậm chí ở mức cao hơn. Ngay cả khi bỏ đi những bàn thắng phi chính thức, hiệu suất của Pele cũng rất khủng khiếp, gần như mỗi bàn một trận (643 bàn/659 trận cho Santos, 77 bàn/92 trận cho ĐT Brazil).
Vua bóng đá Pele |
Giai đoạn 1962-1963 là lát cắt nhỏ cho thấy Pele vĩ đại thế nào. Hai năm đó ông vô địch tới 10/11 giải đấu khác nhau tham dự trong màu áo Santos và Brazil. Dĩ nhiên Pele đóng vai trò chính. Ông chơi 79 trận và ghi được 106 bàn, trong đó có chuỗi 20 trận nổ súng liên tiếp.
Một trong những viện dẫn nhằm giảm nhẹ thành tích của Pele, đó là ông không chơi bóng tại môi trưởng châu Âu và tham gia vào những giải đấu danh tiếng như C1/Champions League. Thật ra không phải Pele không muốn tới châu Âu. MU, Real, Inter hay Juventus đều cố gắng chiêu mộ ông và Santos cũng muốn bán. Thế nhưng phản ứng của người hâm mộ xứ samba lớn đến mức Tổng thống Brazil khi ấy là Janio Quadros tuyên bố Pele là “báu vật quốc gia”, sau đó ra luật ngăn ông tới châu Âu.
Nhưng điều này không có nghĩa Pele không thể phá lưới các đội bóng ở Lục địa già. Ông từng ghi bàn vào lưới Milan, Juventus và Napoli; có 8 bàn trong 7 trận gặp Inter, 6 bàn trong 5 trận đối đầu Roma và 10 bàn trong 7 trận gặp Benfica. Pele cũng lập cú đúp trong trận hủy diệt Barca 5-1 tại Nou Camp, ghi hat-trick trong chiến thắng 5-3 trước nhà vô địch Tây Ban Nha Atletico Madrid.
Cuối cùng, thành tích của Pele ở World Cup là vô song. Messi vừa mới vô địch World Cup, Pele lên ngôi tới 3 lần.
Pele đã chứng kiến cha mình khóc khi Brazil không thể vô địch World Cup 1950 sau trận đấu được gọi là “thảm họa Maracana”. Bản thân cậu bé 10 tuổi cũng khóc nức nở, sụp xuống bức tranh Chúa và mếu máo rằng tại sao đất nước Brazil lại phải chịu đau khổ này.
8 năm sau, Pele ở Thụy Điển và tự mình lấy lại công bằng cho xứ sở samba. Vì chấn thương đầu gối, Pele không chơi 2 trận đầu. Trận thứ ba với Liên Xô, ông ra sân và góp 1 kiến tạo. Tứ kết, Pele là người ghi bàn quyết định đánh bại Xứ Wales. Bán kết, Brazil thắng Pháp 5-2 và Pele lập hat-trick. Tới chung kết, Pele lập cú đúp để tạo nên chiến thắng 5-2 trước Thụy Điển. Trong đó bàn thắng phút 55 thực sự khác thường. Trước Pele và sau Pele, không ai có thể xử lý quả bóng theo cách ông đã làm.
Từ xa bên cánh trái, Nilton Santos tung ra đường chuyền bổng. Pele đang bị kèm rất sát trong khu cấm địa. Ông nhảy lên khống chế bằng ngực trong thế quay lưng với cầu môn. Kỳ lạ thay, khi đáp đất, ông đã quay ngược 180 độ và hậu vệ Thụy Điển đột nhiên rơi ra phía sau. Nhưng vẫn còn một hậu vệ khác án ngữ. Và Pele làm gì?
Không ai biết chính xác vì sao ông có thể hất quả bóng lên cao theo phương thẳng đứng, khiến đối phương lố đà và trước mặt Pele chỉ còn thủ môn Thụy Điển. Khi quả bóng rơi xuống, nhưng chưa chạm đất Pele đã quăng chân phải và đưa nó vào lưới.
Trận Chung kết World Cup Brazil - Thụy Điển năm 1958 |
Điều đáng tiếc là chúng ta chỉ có một góc máy để xem thước phim đen trắng kém chất lượng ấy. Đó là một thiệt thòi của Pele trong các cuộc tranh luận về việc ai là cầu thủ vĩ đại nhất. Ngày nay các bàn thắng của Messi, của Cristiano Ronaldo hay Kylian Mbappe, Erling Haaland không chỉ sống động, chi tiết mà còn được phổ biến ở khắp nơi trên thế giới thông qua internet và truyền hình vệ tinh.
Thời của Pele, mãi đến World Cup 1970, cũng là kỳ World Cup cuối cùng ông tham gia, các đoạn băng mới có màu. Dẫn dắt dàn cầu thủ được coi là hay nhất lịch sử, gồm Rivelino, Jairzinho, Gerson, Carlos Alberto và Tostao, nhưng Pele vẫn nổi bật nhất với các pha lập công quan trọng và những đường chuyền thể hiện nhãn quan tuyệt vời.
Andrew Downie, cây viết của The Times nói: “Trước Pele, thế giới không biết đến Brazil. Hầu hết mọi người không thể tìm thấy Brazil trên bản đồ vào những năm 1950. Với Pele, đặc biệt là sau World Cup 1970, cả thế giới biết đến Brazil và coi đây là quê hương thực sự của bóng đá”.
Điều này cũng nêu bật vấn đề, rằng trong thời đại truyền hình nghèo nàn và không có internet, làm thế nào cả thế giới đều biết Pele và thừa nhận ông là Vua bóng đá? Đó chẳng phải vì ông quá vĩ đại và tột bậc phi thường sao?
Tin tôi đi, ngay cả khi Pele mất đi, di sản của ông vẫn trường tồn, bao gồm danh xưng Vua bóng đá.