Chuyện ít biết về cái tên Pele, biệt danh xuất phát từ phép màu phù thủy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cái tên Pele phổ biến đến mức ít ai nhớ rằng tên thật của ông là Edson Arantes do Nascimento. Vậy biệt danh Pele có từ bao giờ, nó đến từ đâu và có ý nghĩa gì?
Chuyện ít biết về cái tên Pele, biệt danh xuất phát từ phép màu phù thủy ảnh 1

Ở Brazil người ta thường gọi nhau bằng biệt danh. Rất nhiều cầu thủ nổi tiếng có tên khác với những gì chúng ta thường gọi họ. Ví dụ như Garrincha tên thật là Manuel Francisco dos Santos, Kaka là Ricardo Izecson dos Santos Leite, Ronaldinho là Ronaldo de Assis Moreira hay Marquinhos thật ra là Marcos Aoas Correa.

Pele cũng vậy. Tên đầy đủ của ông là Edson Arantes do Nascimento. Thời điểm ông sinh ra, bố mẹ ông đang ở Tres Coracoes, thị trấn ở phía nam bang Minas Gerais, Brazil. Lúc ấy các công nhân vừa kéo đường dây điện tới và cả vùng bắt đầu được thắp sáng bởi những bóng đèn điện. Nói tới bóng đèn điện, tất cả nghĩ ngay đến người phát minh ra nó: Thomas Edison. Ông bố Dondinho của Pele lấy tên này đặt cho cậu con trai, nhưng cải biên đi một chút, thành Edson.

Pele rất thích cái tên này, bởi nó nghe trịnh trọng, lại gắn với nhà phát minh nổi tiếng. Thế nhưng không bao giờ người ta gọi tên đó. Khi còn nhỏ, ông chú Jorge gọi cậu là Dico, dẫn đến việc cả nhà đều gọi “Dico ơi, Dico à”. Sau này tới Santos, mọi người lại đặt biệt danh “Gasolina”, theo tên ca sỹ nổi tiếng Brazil. Nhưng nó ít được sử dụng, bởi lúc này biệt danh Pele đã quá phổ biến.

Chuyện ít biết về cái tên Pele, biệt danh xuất phát từ phép màu phù thủy ảnh 2

Pele được gọi là Dico khi còn nhỏ.

Vậy tại sao người ta gọi là Pele? Hãy nghe chính Pele kể lại:

“Ngày còn nhỏ, tôi ghét cái tên này vô cùng. Có lần tôi đấm đứa bạn cùng lớp và bị đình chỉ học 2 ngày chỉ vì nó cứ Pele mà réo. Những bọn khác thấy tôi khó chịu nên càng trêu ác. Mãi về sau tôi mới cảm thấy thoải mái, chứ hồi đó nó làm tôi đau đớn vô cùng.

Có nhiều người giải thích biệt danh này. Người bảo nó xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha lai Thổ Nhĩ Kỳ từ dân nhập cư ở Bauru, vừa có nghĩa bàn chân vừa có nghĩa ngu ngốc. Nghe không chuẩn lắm. Tôi thì không chắc 100%, nhưng có khả năng nhất là từ chuyện này.

Số là thời đá cho CLB Vasco de Sao Lourenco, bố tôi có người đồng đội tên Jose Lino, làm thủ môn. Ngày bé Lino bị chậm nói, hai tuổi chưa ê a gì. Việc này khiến mẹ ông ấy, bà góa phụ Maria Rosalina, hết sức lo lắng. Bạn biết đấy, người Brazil rất mê tín và tin vào thế giới siêu nhiên. Rosalina cũng vậy. Thế là bà xách con đến chỗ các benzedeiras, tức mấy bà đồng cốt chuyên làm trò phù thủy vào những đêm trăng tròn.

Chuyện ít biết về cái tên Pele, biệt danh xuất phát từ phép màu phù thủy ảnh 3

Pele trong khung gỗ với vai trò thủ môn.

Rồi nghi lễ diễn ra để chữa bệnh câm cho Lino. Các bà đi vòng quanh, miệng thì lầm rầm ‘Bili-bilu-tetéia’, kiểu như úm ba la xì bùa. Nghi lễ này được thực hiện trong nhiều tuần, cho đến một hôm Lino bé bỏng bật ra một câu ngọng nghịu ‘bile’, theo câu thần chú của mấy bà phù thủy. Từ đó Lino biết nói và chết luôn biệt danh Bile.

Những năm 3, 4 tuổi gì đó, bố tôi thường đưa đến Vasco. Tôi sẽ tha thẩn đằng sau cầu môn trong lúc đội bố tôi đá. Mỗi khi thủ môn Bile bắt được bóng, tôi lại hét lên “hay lắm Bile”. Về nhà tôi thường nói sẽ trở thành Bile (tức làm thủ môn). Nhưng giọng vùng Minas Gerais đặc sệt của tôi khiến Bile thành Pele. Và như tất cả đã biết, nhờ đám bạn trêu dai (mục đích ban đầu là nhại giọng phát âm không chuẩn của ông), nó thành biệt danh của tôi”.

Nhân tiện, sau này Pele đã có vài dịp làm “Bile”. Ít nhất 5 lần ông đóng vai thủ môn trong các trận của Santos, do thủ môn chấn thương hoặc bị đuổi khỏi sân. Lần đầu tiên vào năm 1964 ở trận đấu với Corinthians tại Sao Paulo, sau đó là gặp Gremio cùng năm. Những lần khác là trước Comercial (1969), Botafogo-PB (1969) và Baltimore-USA (1973). May mà Edson không gắn với khung gỗ lâu, để chúng ta có một Pele Vua bóng đá.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.