TPO - Dù được quan tâm đầu tư nhằm tăng lượng vận tải hành khách công cộng trong nội đô TPHCM, song xe buýt vẫn chưa thực sự trở thành phương tiện lựa chọn tối ưu của người dân. Ghi nhận ý kiến từ hành khách, tài xế, nhân viên nhà xe mới thấy được nhiều câu chuyện bi hài xoay quanh loại phương tiện công cộng này.
Các tài xế tại bến xe Công viên 23/9 (quận 1) cho biết, sau đại dịch COVID-19, lượng khách sử dụng xe buýt còn rất khiêm tốn. “Đường sá chật chội, tình trạng kẹt xe, ùn ứ khiến xe di chuyển chậm, tốn nhiều thời gian là một trong những lý do khiến người dân dần dần ít đi xe buýt”, một tài xế tuyến xe buýt 86 chia sẻ.
Trạm trung tâm xe buýt trên đường Hàm Nghi (Quận 1) được đầu tư nhiều tiện nghi, có cả nhà vệ sinh hiện đại nhưng khá thưa vắng khách. "Nhà tôi ở Khu dân cư Tân Quy Đông, quận 7. Từ nhà sang cơ quan gần 10km, nếu đi xe máy mất độ 40 phút. Sau lưng nhà tôi - cuối đường 65 phường Tân Phong là bến xe buýt 38 từ Tân Quy đi Bến Thành- Đầm Sen. Thỉnh thoảng, tôi đi làm bằng xe buýt với 2 chuyến: 38 xuống Bến Thành và từ Bến Thành bắt chuyến 152 (5.000 đồng) hoặc 04 (6.000 đồng) đi ngang cơ quan ở gần chùa Vĩnh Nghiêm-cầu Công Lý. Nếu mọi sự thuận lợi thì từ nhà đến cơ quan bằng xe buýt, tôi mất hơn 1 giờ đồng hồ với 11.000 hoặc 12.000 đồng, tiện và rẻ", bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ quận 7 chia sẻ.
Trong 2 năm qua, vì dịch COVID-19 nên lượng hành khách giảm 50 - 60%.
Là người từ bỏ thói quen đi làm bằng xe cá nhân, ông L.T.T, ngụ quận 7 không ngại chia sẻ: "Từ nhà tôi đi bộ ra bến xe buýt 38 mất 5 phút. Nơi đây luôn vắng. Xe nằm chờ khách nhưng khách không được bước lên xe nếu chưa tới giờ xuất bến và tài xế chưa đồng ý. Vì vậy, dù mưa thì khách cũng phải đứng bên dưới chờ. Nhiều khi, tôi thấy tài xế đóng cửa xe, mở máy lạnh và tập thể dục trên xe để khách đứng chờ. Có lần, khi chờ xe khởi bến, tôi thấy tài xế nằm nghe nhạc và phì phèo thuốc lá. Được biết, bảng thông tin điện tử được đặt ở các trạm xe buýt có mái che để hành khách nắm thông tin chuyến xe, mấy phút sẽ ghé trạm… Tuy nhiên, hiện nay theo khảo sát của tôi, cứ 10 trạm có mái che được lắp màn hình thông tin thì có 9 trạm không hoạt động".
Vào giờ cao điểm, xe buýt chật vật chen chúc giữa "biển" phương tiện cá nhân.
Xe buýt thực sự chưa phải là lựa chọn tối ưu cho người dân bởi nhiều nguyên nhân.
"Chuyến xe buýt 38 và nhiều chuyến khác như 64… không có phụ xe. Trên xe chỉ mỗi tài xế vừa làm tài vừa kiểm soát bấm thẻ, thu tiền và thối tiền cho khách. Nếu khách không có tiền lẻ, bỏ tiền vô thùng rồi mà đứng sớ rớ chờ tiền thối là… bi mắng ngay. Trên xe có thùng bỏ tiền lẻ, có nơi bấm phiếu thường và phiếu giảm giá (dành cho sinh viên). Nhiều người không rành, bấm nhầm nơi hoặc bấm để tay quá lâu để ra 2-3 phiếu là… cũng bị mắng. Hỏi vì sao không có phụ xe, chỉ mỗi tài xế vừa chạy, vừa thối tiền lẻ…, có tài xế trả lời:" Ế thấy bà, tiền đâu mà trả cho phụ xe?", bà Nguyễn Thị Ngon, ngụ huyện Bình Chánh kể.
Nguyên nhân lớn nhất của việc xe buýt ế khách chính là các tuyến vẫn còn bất tiện so với nhu cầu di chuyển của người dân. Mặt khác, thời gian di chuyển cũng là bài toán khó cho ngành xe buýt. Áp lực thời gian dẫn đến nhiều vấn đề như: xung đột giao thông, xung đột với người tham gia giao thông, các bác tài chịu áp lực đảm bảo đúng tuyến, đúng giờ...
Nhiều vấn đề an toàn, an ninh trên xe buýt vẫn chưa được đảm bảo. Cụ thể, tuyến 91, theo phản ánh của nhiều hành khách trạm chỗ bệnh viện Ung Bướu và Lăng ông Bà Chiểu móc túi rất nhiều, các đối tượng này chỉ đi một trạm rồi xuống… Tuyến này, mỗi xe chỉ có một tài xế và không có nhân viên bán vé.
Giờ cao điểm, bên trong xe buýt nhiều tuyến thưa vắng người, bên ngoài là dòng người chen chân với phương tiện cá nhân. Theo chân một bác tài xe buýt vào giờ cao điểm, bác tài này chia sẻ: "Xe chạy không đúng giờ mỗi khi tan tầm, bến cách xa chỗ làm, thái độ một số nhân viên cũng không lịch sự với hành khách...khiến người ta không chọn xe buýt. Đặc biệt, hành khách là công chức, viên chức và lao động văn phòng hầu như không có".
Tuy nhiên, đối với những người già, người có thời gian hoặc thu nhập thấp thì xe buýt vẫn là lựa chọn hàng đầu. "Do công việc phải mang vác hàng hoá nhiều và chạy chợ từ sáng đến chiều, tôi phải đi xe buýt. Chính vì công việc không áp lực thời gian quá nhiều, con cái có ông bà đưa đón nên mình chọn đi xe buýt. Trước kia, con còn nhỏ, ông bà ngoài quê lại chưa vào thì mình chỉ có cách tự đi xe máy để chủ động thời gian. Đi xe buýt có cực xíu nhưng tính ra chi phí di chuyển không tốn như xe máy", chị Lê Thị Thanh Thuý, nhà gần chợ Bà Chiểu chia sẻ.
Cô Lan, nhà quận Gò Vấp, mua bán nhỏ ở quận 12, bao năm qua vẫn duy trì việc đi xe buýt vì cô không biết đi xe máy. Mặt khác, các con của cô cũng muốn cô đi xe buýt cho an toàn.
"Mình đi riết nhà xe quen mặt nên cũng không cần trình thẻ. Từ Củ Chi xuống trung tâm thành phố, nếu di chuyển bằng xe buýt không trợ giá là mất 40.000 đồng cho hai chiều, nên tôi chọn xe buýt trợ giá để đi miễn phí theo chế độ dành cho người khuyết tật", anh Nguyễn Anh Tấn, quê Phan Rang, vào TPHCM mưu sinh từ năm 9 tuổi chia sẻ.
Anh Tấn xuống bến cuối là Củ Chi, sau đó cuốc bộ về nhà trọ cách bến xe Củ Chi khoảng 2km. Mỗi ngày, anh Tấn kiếm được khoảng trên dưới 200.000 đồng.
TPHCM có 126 tuyến xe buýt với gần 2.100 xe hoạt động. Cơ quan quản lý hạ tầng giao thông cũng đã tập trung khá nhiều cho giao thông công cộng nhưng lượng khách sử dụng loại hình vận tải này đang giảm qua các năm.
Tài xế Nguyễn Văn Thu chạy tuyến An Sương tâm tư: "Tôi mong thành phố ưu ái hơn cho xe buýt về cơ sở hạ tầng để chúng tôi có thể di chuyển nhiều tuyến hơn, chạy đúng giờ. Thậm chí bây giờ, ở bến đón trả khách, xe buýt chúng tôi vào không có chỗ đậu, bị đuổi ra ngoài. Mà xe buýt chạy ra ngoài đậu thì bị CSGT phạt".
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), từ năm 2014 đến nay, lượng khách đi xe buýt giảm dần theo từng năm. Trong giai đoạn 2014-2018, lượng khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65%/năm. Đến năm 2019, lượng khách sử dụng xe buýt đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt hành khách so với năm 2018. Năm 2020, lượng khách chỉ còn hơn 148 triệu lượt. Năm 2021 lại giảm mạnh hơn, còn có 53 triệu lượt. Tình hình trong 5 tháng đầu năm nay cũng không mấy sáng sủa.