> Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Bán buôn, mua lẻ, kiểu gì cũng có
Người học cần có thói quen trung thực trong việc tham khảo tài liệu từ người khác. Ảnh: Huy Lân. |
Tiến sĩ (TS) Trần Thị Mai Nhân, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, rất bức xúc khi luận văn thạc sĩ của mình về đề tài văn học Việt Nam trong chiến tranh đã bị nghiên cứu sinh tên K., giảng viên của một trường ĐH khác, sao chép nguyên văn rất nhiều đoạn để đưa vào luận án TS của ông ta mà không hề có một dòng trích dẫn.
Đạo văn do...chưa có kinh nghiệm!
Trong luận án TS của ông K., phần phụ lục cũng không hề có dòng nào về việc tham khảo tài liệu của TS Mai Nhân. Điều đáng nói là sau khi bảo vệ thành công luận án TS năm 2000, ông K. đã trích một phần luận án để in thành sách, phát hành vào năm 2006. Khi cầm trên tay cuốn sách này, TS Mai Nhân mới té ngửa bởi công trình chính mình viết ra được tác giả “cóp” nguyên văn nhiều đoạn.
“Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai. Trong khi đó, ông K. dùng nguyên văn khá nhiều đoạn trong luận văn của tôi mà không hề có một dòng trích dẫn thì thật khó chấp nhận” - TS Mai Nhân bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông K. lý giải khi làm luận án TS - cách đây 15 năm - ông còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. “Tôi thừa nhận đã sơ suất khi dùng luận văn của TS Nhân mà không trích dẫn. Một người bạn đã photocopy giùm tôi cuốn tài liệu này nhưng lại không có bìa. Lúc đó, vấn đề tôi nghiên cứu còn có nhiều tranh cãi, tôi đọc được cuốn tài liệu này thấy rất tâm đắc nên sử dụng một số đoạn mà không biết tác giả là ai”.
Ông K. cho biết khi TS Mai Nhân lên tiếng, ông mới biết đã sử dụng luận văn của bà. “Tôi đã viết thư xin lỗi TS Nhân và sẽ mua lại toàn bộ sách đã xuất bản của mình còn lại ở các nhà sách. Nếu tái bản, tôi sẽ phải bỏ hoàn toàn những đoạn sử dụng trong luận văn của TS Nhân” - ông K. khẳng định.
Ông K. cũng hứa sẽ in lại cả luận án TS, trong đó bổ sung phần trích dẫn những đoạn đã sử dụng luận văn của TS Mai Nhân.
Vô tư dùng cứ liệu của học trò
Luận án “So sánh một số đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khá công phu với phần trình bày cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn của tác giả T.
Một số chuyên gia nhận định đây là luận án nghiên cứu chuyên sâu liên quan trực tiếp đến kiến thức ngữ pháp – ngữ nghĩa không phải của câu văn bình thường mà là tục ngữ tiếng Hàn, chứng tỏ tác giả phải am hiểu chuyên sâu cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia về tiếng Hàn đã chỉ ra rất nhiều lỗi trong luận án này mà một người biết tiếng Hàn ở trình độ sơ – trung cấp đều có thể phát hiện.
Trong luận án TS, tác giả T. lại sử dụng tài liệu tham khảo của không ít khóa luận tốt nghiệp của sinh viên liên quan đến tục ngữ. Thậm chí, luận văn của sinh viên được tác giả luận án đánh giá là “những ngữ liệu quan trọng” để sử dụng trong công trình bậc học TS của mình.
“Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận” - một chuyên gia về giáo dục sau ĐH nhận định.
Một giảng viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng được TS T. nhờ sưu tầm, dịch một số tài liệu từ tiếng Hàn sang tiếng Việt cho luận án trên cho biết tác giả đã sử dụng phần dịch của bà ở nhiều cước chú nhưng không ghi tên, chức danh, học vị của bà. “Như vậy, sẽ không có căn cứ khoa học cho phần dịch này và người đọc sẽ hiểu chính tác giả là người dịch đoạn đó” - giảng viên này nhận xét.
Luận án của tác giả T. đã được bảo vệ thành công vào ngày 16-4-2007. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng bảo vệ luận án gồm 7 người và… không ai thành thạo tiếng Hàn!
Đủ kiểu đạo văn
PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng đạo luận án ngày càng tinh vi. “Học viên chỉ “luộc” cái khá, còn cái tồi thì không “luộc”. Bởi vậy, gặp những luận án hầu hết được viết rất thô thiển nhưng có đoạn lại bay bổng, trau chuốt là chúng tôi biết tác giả đã đạo văn” - PGS-TS Trần Hữu Tá cho biết.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định có rất nhiều kiểu đạo văn khó phát hiện như ghi nguồn tham khảo nhưng lại không ghi rõ trích dẫn, trong đó xào xáo một phần tài liệu tham khảo, trộn với phần của mình hoặc pha trộn nhiều tài liệu tham khảo khác nhau thành của mình; thay đổi từ ngữ nhưng ý tứ thì ăn cắp…
Ngoài ra, còn có các kiểu đạo văn trắng trợn như “cóp” nguyên xi của người khác mà không cho vào ngoặc kép và ghi nguồn trích dẫn; trích dẫn thật nhiều đoạn khác nhau mà không có chữ nào của mình....
“Dùng bất cứ tài liệu nào của người khác mà không ghi nguồn đều được coi là đạo văn và vi phạm Luật Bản quyền” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận. Ông Tống cũng cho rằng đạo văn dù ở dạng nào cũng là hành vi “đánh lừa”, “ăn cắp nguy hiểm”, cần phải lên án và loại bỏ.
Dù biết đạo văn là không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học nhưng nhiều luận án “luộc” đã qua mắt được hội đồng bảo vệ.
Một PGS từng là thành viên trong hội đồng bảo vệ nhiều luận án TS cho biết có rất nhiều trường hợp trong luận án không đạo từng đoạn mà chỉ đạo từng câu nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, học viên thường sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không phải lúc nào thành viên hội đồng cũng có thể tham khảo hết nguồn tài liệu đó.
Quy trình kín mà hở
Một nguyên nhân khác khiến việc đạo văn trong các luận án TS vẫn có đất sống, theo PGS-TS Trần Hữu Tá, là do quy trình làm luận án chưa có khâu kiểm tra cụ thể.
Luận án TS hiện được làm theo các bước: Học viên nhận đề tài, thực hiện trong 3 năm cùng thầy hướng dẫn; sau đó nộp, bảo vệ cấp cơ sở, góp ý sửa chữa, phản biện độc lập, bảo vệ trước hội đồng… PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng quy trình này đã tạo ra kẽ hở để học viên không học vẫn có luận án, rồi có bằng TS.
PGS-TS Trần Hữu Tá kể lại một trường hợp học viên bảo vệ luận án về nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Luận án rất tốt nhưng thành viên hội đồng nghi ngờ đạo văn liền đề nghị học viên tóm tắt tiểu thuyết Số đỏ trong vòng 5-10 phút - một yêu cầu đơn giản mà học sinh THPT có thể làm được. Thế nhưng, học viên bảo vệ luận án TS này lại ấm ớ rồi cúi đầu!
Một chuyên gia giáo dục sau ĐH cũng cho biết khâu phản biện độc lập hiện kín mà chưa kín. Nhiều khi ông đang thực hiện phản biện độc lập nhưng lại có điện thoại gửi gắm, kiểu: “Học trò của mình đấy, chiếu cố chút nhé”!
Theo chuyên gia này, những luận án lôm côm hoặc có đạo văn có thể phát hiện được nhưng vẫn tồn tại quan niệm “luận án là lý bên trong có tình” nên đôi khi nhắm mắt cho qua mà trong lòng ngao ngán. Quá trình làm và bảo vệ luận án tưởng chặt nhưng lại hở, đôi khi tưởng là thứ thiệt mà lại dỏm.
PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng để ngăn ngừa nạn đạo văn, quy trình làm và bảo vệ luận án TS cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, tránh những đề tài na ná nhau nhưng vẫn được thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần có những đợt kiểm tra kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài mà học viên đang theo đuổi. Nghiên cứu sinh phải tập trung tại trường ít nhất 3 lần để làm chuyên đề kiểm tra tại chỗ.
Ngoài ra, học viên cần phải có những buổi thuyết trình về đề tài trong quá trình thực hiện luận án. Nếu không chuẩn bị, không có kiến thức mà đi “đạo” của người khác thì không thể nào đáp ứng được các kỳ kiểm tra tại chỗ và các buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài đối với các trường hợp luận án bị phát hiện đạo văn.
Chống đạo văn từ trường học
Nhiều đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo quốc tế “Đạo văn trong giáo dục và nghiên cứu khoa học” do Trung tâm Seameo vừa tổ chức đã lên án mạnh mẽ vấn nạn này. Theo TS Anita Clapano Obilna, Trường ĐH Xavier - Philippines, nguyên nhân của đạo văn là do tâm lý sợ thất bại, thời gian hạn hẹp, tài liệu nghèo nàn, chưa nắm được Luật Sở hữu bản quyền… TS Anita cho rằng cần có văn hóa trong nghiên cứu khoa học, thể hiện ở sự liêm chính trong việc phân biệt rõ nguồn tham khảo và nguồn tự nghiên cứu. Người học cũng có văn hóa học tập như xây dựng đề cương, ý tưởng riêng, không được lười biếng, thường xuyên thể hiện sự độc lập trong suy nghĩ… Theo các đại biểu, người học cần được rèn luyện sự trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học từ trong các trường phổ thông. TS Dennis F.Berg, Trường ĐH California – Mỹ, yêu cầu học sinh, sinh viên phải được chỉ dẫn về cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo và duy trì như một thói quen quan trọng trong học tập, nghiên cứu. |
Thùy Vinh
Báo Người lao động