Bi hài cuộc chiến chống Ama Kông giả: Bác sĩ giành “thừa kế” thuốc gia truyền

Kho chứa gần 2,5 tấn nguyên liệu và thành phẩm Ama Kông giả tại Phòng CSMT
Kho chứa gần 2,5 tấn nguyên liệu và thành phẩm Ama Kông giả tại Phòng CSMT
TP - Cuộc chiến chống lại các đối tượng chuyên mạo danh Ama Kông sản xuất mặt hàng gia truyền của gia tộc “Vua Voi” gian nan, phiền phức tới nỗi bố con Ama Kông-Khăm Phết Lào từng ngán ngẩm bất lực trước vô số quầy hàng dán hình Ama Kông vào thuốc rởm mời chào du khách...

Bác sĩ giành “thừa kế” thuốc gia truyền

Bác sĩ Hồ Việt Sang khi còn là Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk đã nhờ ông Y Luyện, Bí thư Tỉnh ủy “có lời”  thuyết phục bố con Ama Kông chỉ cây thuốc quý cho ông “nghiên cứu phục vụ Nhà nước, và đồng bào”. Nể Bí thư và tin ông Sang muốn phụng sự cộng đồng, Ama Kông đồng ý. Ngày 2/9/2005 nhân không khí tưng bừng Quốc khánh, bác sĩ Hồ Việt Sang viết giấy “Ủy quyền nghiên cứu thừa kế bài thuốc Ama Kông cho bác sĩ Sang” đưa Ama Kông điểm chỉ. Chuyến cưỡi voi vào rừng cùng Ama Kông tìm cây Tơmtrơng Atao Nenso sau đó, có cả phóng viên Tiền Phong tham gia.

Nhận định bài thuốc tráng dương bổ thận Ama Kông là vốn quý cần được kế thừa và phát huy, từ năm 2002 lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã mời trường Đại học Y khoa Huế thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa Đăk Lăk”. Trong công trình được 27 nhà khoa học nghiên cứu kéo dài hơn 5 năm với 636 loài dược liệu bản địa, cây Tơmtrơng Atao Nenso được phân tích sâu và giành nhiều trang mô tả. Một công trình phân tích khác về Tơmtrơng Atao Nenso tiến hành tại Đại học Dược TPHCM cũng đánh giá đặc biệt cao cây thuốc này.

Nắm được giấy “Ủy quyền nghiên cứu ...” do Ama Kông điểm chỉ, bác sĩ Sang bèn đánh tiếng Ama Kông ngưng bán thuốc với lý do gia đình “Vua Voi” chưa có giấy chứng nhận được bán thuốc của Sở Y tế, cần chờ ông giúp làm thủ tục. Bố con Ama Kông thật thà nghe lời, không ngờ bác sĩ Sang tranh thủ... tự sản xuất thuốc gắn tên và hình ảnh Ama Kông để... bán tại nhà mình. Khăm Phết Lào nổi giận lên mách Hội Đông y. Bị bác sĩ Nguyễn Đức Phồi, Chủ tịch Hội Đông y cùng các cán bộ nhân viên Hội phê phán là “sếp lớn” mà còn đi lừa đồng bào nghèo để trục lợi, bác sĩ Sang đành ký giấy “Thỏa thuận hủy bỏ giấy viết tay ngày 2/9/2005” vì có từ “thừa kế dễ gây hiểu nhầm”. Sau đó một lần nữa bác sĩ Sang lại viết giấy cam kết: từ nay sẽ không bao giờ còn sử dụng bài thuốc Ama Kông và các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, thực tế thì bác sĩ Sang chỉ cam kết cho qua chuyện.

Ngày 25/7/2008, Khăm Phết Lào nộp đơn với điểm chỉ của Ama Kông ủy quyền cho con trai kiện bác sĩ Sang ra TAND TP Buôn Ma Thuột, vì ông Sang đã lập trang web amakong.com.vn, trên đó có thông tin mạo nhận đã được thừa kế bài thuốc gia truyền nổi tiếng. Biết bố con Ama Kông-Khăm Phết Lào tin cậy báo Tiền Phong, bác sĩ Sang tất tả tìm đến nhà người đang viết bài này, xin “cứu”. Đương nhiên đại diện báo Tiền Phong từ chối và luôn đứng về sự thật và lẽ phải.

Ngày hai bên ra tòa, có phóng viên Tiền Phong cùng dự. Trước Tòa, Khăm Phết khẳng định, ông Sang mới chỉ biết có 2 trong 5 vị của bài thuốc, chưa hiểu đầy đủ cách thu hái bào chế, nhưng vẫn quảng cáo trên trang web là “Thuốc Ama Kông Bản Đôn - Đắk Lắk” để lừa khách hàng, làm giảm uy tín thuốc Ama Kông, gây thiệt hại kinh tế gia tộc Vua Voi. Bác sỹ Sang thì bảo, ông lập web amakong chỉ để... nghiên cứu khoa học chứ không kinh doanh thuốc. Trước Tòa, ông Sang cam kết gỡ bỏ hình ảnh cụ Ama Kông ra khỏi website, hứa không tái phạm và xin bồi thường danh dự cụ Ama Kông tượng trưng 2 triệu đồng. Vì thế bố con Khăm Phết Lào rút đơn khởi kiện và chuyển ngay món tiền “danh dự” đó cho già làng hỗ trợ hộ nghèo nhất trong buôn!

Nhưng mãi tới bây giờ, vào website amakong.vn, ai cũng thấy bác sĩ Sang vẫn tiếp tục nhân danh “nghiên cứu khoa học phục vụ cho Nhà nước, cho đồng bào” để giới thiệu mình được “thừa kế” bài thuốc Ama Kông, nhằm bán nhiều mặt hàng thuốc, rượu thuốc, thực phẩm chức năng có tên “AmaKong” kèm địa chỉ và số điện thoại cá nhân.

Bi hài cuộc chiến chống Ama Kông giả: Bác sĩ giành “thừa kế” thuốc gia truyền ảnh 1 Gian hàng bán thuốc Ama Kông chính hiệu của Khăm Phết Lào tại Lễ hội Cà phê

Tả xung hữu đột

Ama Kông lúc sinh thời đã khẳng định với Tiền Phong ông có hàng trăm bài thuốc quý. Riêng bài thuốc tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương có 3 vị thuốc thuộc họ Tơmtrơng, về công dụng thì loại Tơmtrơng Atao Nenso mà Ama Kông đã chỉ cho bác sĩ Sang còn thua xa 2 loài Tơmtrơng bí ẩn khác, là Tơmtrơng Sre và Tơmtrơng Dong Roeh.

Nổi xung mỗi lần nghe tới tên bác sĩ Hồ Việt Sang, bố con Ama Kông-Khăm Phết Lào thề sẽ không tiết lộ kho tàng bí mật gia truyền cho ai nữa, ngoài người thừa kế duy nhất trong gia đình!

Tuy nhiên, số kẻ tham lam sẵn sàng “cố đấm ăn xôi” không ít. Năm 2014, một cán bộ đang công tác trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột là ông Nguyễn Công L đã bị Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Môi trường, Sở Thông tin &Truyền thông, Thanh tra Sở Y tế cùng xem xét, cảnh cáo, phạt cả chục triệu đồng vì đã lập trang thông tin điện tử quảng cáo sai sự thật để bán thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc.                                                               

Trong cuộc đối thoại với các bên liên quan về việc ông Nguyễn Công L tái phạm bán thuốc Ama Kông rởm, Khăm Phết Lào tuyên bố: Bài thuốc Ama Kông là bảo vật gia truyền của dòng họ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu, cấp mã số mã vạch, xác nhận chất lượng sản phẩm. Khăm Phết Lào đã được trao quyền thừa kế với đầy đủ tư cách pháp lý, khẳng định thang thuốc Ama Kông chỉ bán tại nhà riêng ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, không có bất cứ đại lý nào trên thị trường.

Tháng 4/2017, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở kinh doanh thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc, tổng số tiền phạt 8 triệu đồng. Sau đó, số quầy hàng mua bán thuốc Ama Kông rởm lại sinh sôi, lan tràn. Dù Khăm Phết Lào nhiều lần nhờ các báo đài lên tiếng, vẫn có không ít người mua nhầm thuốc giả, tiền mất tật mang. Ngay cả tại sân bay Buôn Ma Thuột là cửa ngõ đón và tiễn khách cũng bán toàn Ama Kông không nguồn gốc.

Trước thời điểm khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 9/3/2019, Phòng CSMT Công an tỉnh Đắk Lắk mở đợt truy quét hàng giả, hàng nhái thuốc Ama Kông. Đại tá Phạm Châu, Trưởng phòng CSMT cho biết chỉ trong 2 ngày, tại 8 điểm kiểm tra thuộc địa bàn TP Buôn Ma Thuột, huyện Lắk, Buôn Đôn, đoàn công tác đã thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu, 500 túi thuốc Ama Kông mạo danh đã đóng gói...

“Ôi trời, nhìn mớ cây rễ nguyên liệu lung tung hoàn toàn không rõ nguồn gốc xuất xứ mà họ dùng để đóng bao dán nhãn thuốc Ama Kông giả, ai cũng thấy sự nguy hiểm đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật trước khi tổ chức những đợt truy quét thuốc Ama Kông rởm tiếp theo”. Đại tá Phạm Châu 

MỚI - NÓNG