Bị dồn ép ở Fallujah, IS tung biệt đội tử thần đối phó

Lực lượng hỗn hợp của chính phủ Iraq áp sát thành phố Fallujah. Ảnh: AFP.
Lực lượng hỗn hợp của chính phủ Iraq áp sát thành phố Fallujah. Ảnh: AFP.
IS được cho là sẽ chiến đấu đến tay súng cuối cùng để bảo vệ Fallujah, trong khi quân đội chính phủ Iraq cũng đang chịu sức ép phải giành lại bằng được thành phố này.

Các biệt đội tử thần của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Fallujah, cách thủ đô Baghdad, Iraq, khoảng 64 km về phía tây. Chúng nhận lệnh tiêu diệt bất kỳ ai cố gắng chạy trốn hoặc đầu hàng khi lực lượng quân đội chính phủ Iraq áp sát thành phố chiến lược này, theo Independent.

Các đơn vị quân đội Iraq đã bắt đầu chiến dịch tấn công vào khu vực phía đông thành phố Fallujah từ sáng 23/5 sau một đêm không kích dữ dội.

Giới chuyên gia cho rằng để mất Fallujah sẽ là một tổn thất lớn đối với IS. Đây là trung tâm thương mại của người Hồi giáo dòng Sunni trên trục đường chính dẫn sang Jordan. Hôm 23/5, ba tay súng IS bị tiêu diệt bên trong thành phố Fallujah, chứng tỏ người dân địa phương đã có dấu hiệu kháng cự bằng vũ trang chống lại phiến quân.

Dân chúng ở Baghdad đang gây sức ép rất lớn lên Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi trong chiến dịch đánh đuổi IS khỏi thành phố Fallujah sau các vụ đánh bom nhằm vào dân thường hồi đầu tháng ở thủ đô khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.

"Người dân Iraq tin rằng những kẻ đánh bom tự sát đó đều đến từ Fallujah và chính phủ phải lấy lại thành phố này", một sĩ quan cao cấp Iraq đã nghỉ hưu cho hay.

Những thất bại của quân đội trong việc đẩy lùi IS khỏi thành phố giáp ranh thủ đô trong hai năm qua phần nào đã làm mất đi uy tín của lực lượng vũ trang chính phủ.

Thế nhưng, quân đội Iraq hiện thiếu những đơn vị tác chiến tại chỗ và phụ thuộc chủ yếu vào hai lữ đoàn chống khủng bố tinh nhuệ với quân số 5.000 người. Hai sư đoàn quân thường trực khác cũng có thể chiến đấu, nhưng những thắng lợi quân sự trong năm qua hầu hết đều nhờ vào đòn yểm trợ từ liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu. Những máy bay này giúp phá hủy các cơ sở của IS từ trên không trong khi quân đội tiến hành các chiến dịch tấn công dưới mặt đất.

Thành phố Fallujah chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng chiến tranh kéo dài liên miên và thiếu nguồn cung thực phẩm. Theo một số nguồn tin địa phương, dân số thành phố đã giảm xuống chỉ còn 50.000-60.000 người so với thời điểm 350.000 người hồi năm 2011, trước khi Iraq rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện.

Một nhà quan sát Iraq thường xuyên có mối liên hệ với thành phố cho biết người dân đã chịu cảnh đói khát suốt nửa năm trời do thiếu thực phẩm. Một túi bột mì 50 kg có giá  gần 690 USD.

Một con đường sa mạc ở phía bắc thành phố Fallujah có thể giúp vận chuyển thực phẩm nhưng hiện nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Khu vực phía đông thành phố do dân quân người Shiite nắm giữ, phía nam do dân quân bộ lạc người Sunni chống IS quản lý và quân đội chính phủ do Mỹ hậu thuẫn đóng ở phía tây.  Người dân Fallujah khiếp sợ IS nhưng họ cũng e ngại các tay súng Shiite không kém, những người họ coi là "khủng bố Fallujah".

Giới quan sát nhận định IS từng rút lui khỏi các thành phố như Ramadi, Hit hay Rutba mà không chiến đấu đến tay súng cuối cùng, nhưng rất có thể nhóm này sẽ tử thủ ở Fallujah vì tầm quan trọng về quân sự và địa chính trị của thành phố.

Trong khi đó, quân đội chính phủ Iraq buộc phải chiếm lại Fallujah vì nếu để mất thành phố vào tay IS, thủ đô Baghdad sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng kinh hoàng. Bên cạnh đó, thắng lợi ở Fallujah sẽ như một biểu tượng cho thấy sức mạnh của quân đội chính phủ cùng một thực tế là IS rõ ràng đang suy yếu.

Theo cây bút Patrick Cockburn từ Independent, IS đang mất dần sức mạnh nhưng các lực lượng chống lại phiến quân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc tấn công trên bộ ở Mosul và Raqqa nhưng những lực lượng mặt đất tại Iraq và Syria có lẽ sẽ không thể phối hợp hành động để tái chiếm hai thành phố trên trong năm nay.

"Họ không có kế hoạch cụ thể về điều gì cần làm sau khi chúng sụp đổ", ông Hiwa Osman, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Irbil nhận xét. "Chỉ có người Arab dòng Sunni mới có thể đặt dấu chấm hết cho IS và tới khi họ làm được điều đó thì cuộc chiến mới thực sự kết thúc", ông nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG