Bí ẩn vây quanh kẻ đánh bom Paris dùng hộ chiếu giả

Tấm hộ chiếu giả mà một kẻ đánh bom sử dụng được tìm thấy gần sân vận động Stade de France. Ảnh: AFP
Tấm hộ chiếu giả mà một kẻ đánh bom sử dụng được tìm thấy gần sân vận động Stade de France. Ảnh: AFP
Hầu như mọi thông tin mà nhà chức trách nắm được về một trong số những kẻ đánh bom ở Paris nay đều trở nên vô nghĩa khi tấm hộ chiếu mà y sử dụng bị phát hiện là giả.

Người đàn ông bí ẩn cập bến châu Âu trên một chiếc thuyền trôi dạt từ Thổ Nhĩ Kỳ tới bờ biển Hy Lạp ngày 3/10. Anh ta lên hòn đảo Leros cùng với khoảng 197 người di cứ khác. Tại đây, cảnh sát tiến hành kiểm tra và ghi nhận người này tên là Ahmad Almohammad, 30 tuổi, mang hộ chiếu Syria và đến từ thành phố Idlib, theo Washington Post.

Almohammad biến mất kể từ đó rồi đột ngột xuất hiện giữa thủ đô Paris của nước Pháp vào ngày 13/11 vừa qua. Lần này, anh ta mang theo một đai bom và tự cho phát nổ ngay bên ngoài sân vận động Stade de France. Vụ việc chỉ là một trong chuỗi 6 vụ tấn công liên hoàn đẫm máu ở Paris hồi cuối tuần trước, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng cùng hơn 300 người bị thương.

Theo nhà chức trách Pháp và Hy Lạp, dấu vân tay trên xác kẻ đánh bom và của người đàn ông di cư đến đảo Leros hôm 3/10 trùng khớp. Nhưng tấm hộ chiếu Syria của người này là giả.

"Mọi thứ đã rõ ràng", Bernard Squarcini, cựu lãnh đạo tình báo Pháp, nói. "Trong số những người di cư có cả kẻ khủng bố".

Các quan chức Hy Lạp nói người đàn ông dưới cái tên Ahmad Almohammad đã bắt một chuyến phà và tới cảng Piraeus vào ngày 8/10, trước khi hướng về phía bắc để tới Balkan. Bộ di trú Hy Lạp hôm 15/11 thêm rằng người này sau đó tới Croatia. Nhưng từ đây dấu vết bắt đầu trở nên mờ nhạt. Các nước Áo, Đức, Italy và Hungary đều cho hay không có bất kỳ ai sử dụng tên Ahmad Almohammad để vào lãnh thổ của họ.

Mọi việc càng rối ren hơn khi chính phủ Serbia khẳng định có một người đàn ông mang tên giống thế vượt qua biên giới với Macedonia để vào thị trấn Presevo của nước này vào đúng ngày mà như nhà chức trách Hy Lạp thông báo là thời điểm anh ta bắt chuyến phà đến cảng Piraeus. Cả hải quốc gia đều chưa thể giải thích vì sao lại có sự không thống nhất này

Mặt khác, truyền thông Serbia lại đưa tin một người đàn ông mang hộ chiếu với thông tin tương tự bị bắt ở nước này vào ngày 14/11. Chính quyền Serbia không phủ định cũng không thừa nhận thông tin trên, làm dấy lên mối nghi ngờ rằng hiện ngoài kia tồn tại rất nhiều tấm hộ chiếu giả mang tên Ahmad Almohammad.

Điều này có nghĩa mọi thứ mà nhà chức trách cũng như truyền thông nắm về kẻ đánh bom bí hiểm, từ tên tuổi, địa chỉ đến quốc tịch, đều không thật. Và cũng chẳng ai dám chắc liệu y có thực sự là người di cư hay không.

Mối nguy tiềm ẩn

Việc tung tích của kẻ đánh bom quá mơ hồ làm bùng lên một cuộc tranh luận ở hai bờ Đại Tây Dương, xung quanh câu hỏi liệu bản thân quá trình di cư hay nỗi lo âu trước làn sóng di cư tạo ra mối nguy hiểm lớn hơn.

Một số người vin vào thảm kịch Paris để nhấn mạnh những tay súng cực đoan hoàn toàn có thể trà trộn trong dòng người di cư mà không ai hay biết. Những người khác lại lo lắng, sau sự việc, châu Âu sẽ giương cao tấm lá chắn phòng vệ trước người tị nạn, đẩy họ vào tình thế không có đường tiến cũng chẳng còn chỗ lùi.

Thực tế, việc các phần tử cực đoan giả làm người di cư để vượt biên vào châu Âu đã xảy ra trước đây. Abdelmajid Touil, quốc tịch Morocco, là đối tượng tình nghi cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công ở thủ đô Tunis, Tunisia, hồi tháng ba, khiến 20 du khách thiệt mạng. Tên này một tháng trước đó tới Italy trên một con thuyền di cư từ Libya. Touil hồi tháng 5 bị bắt gần Milan.

Chính quyền Pháp cũng lo ngại hai nghi can thực hiện vụ tấn công Paris đang bỏ trốn có khả năng đã tiếp cận được tuyến đường của dân di cư, khiến việc săn lùng chúng trở nên khó khăn hơn.

Mối quan tâm lúc này tập trung vào các điểm nhập cảnh đang trở nên quá tải ở châu Âu, đặc biệt là tại Hy Lạp. Rất nhiều người tị nạn không có hộ chiếu đang đổ về quốc gia này. Trên lý thuyết, các thông dịch viên sẽ kiểm tra những người tị nạn bằng việc đưa ra một số câu hỏi như thủ đô của Syria là gì, đồng thời đánh giá qua ngữ điệu giọng nói. Nhưng có không ít người tị nạn "giả" tránh được quy trình này. Nhà chức trách Đức hồi tháng 9 cho hay gần 1/3 số người tị nạn tại đây nói họ là công dân Syria nhưng thực chất không đến từ Syria.

Hộ chiếu Syria được xem như một món hàng nóng trên thị trường chợ đen trải dài các eo biển hẹp ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ngành công nghiệp sản xuất "mặt hàng" này đang nở rộ để cung cấp cho những người Morocco, Tunisia, Algeria hay Ai Cập muốn giả danh làm người Syria. Nguyên nhân là bởi người di cư Syria thường có tỷ lệ được chấp nhận tị nạn cao hơn tại các quốc gia như Đức, nơi cung cấp nhiều ưu đãi cho những con người thật sự chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố.

Trước mất mát quá lớn mà nước Pháp phải chịu sau thảm kịch Paris, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia, hôm 16/11 lên tiếng đề nghị chặn ngay lập tức dòng người di cư tới quốc gia này. "Nỗi lo sợ và lời cảnh báo của chúng tôi về sự hiện diện của các phần tử cực đoan giữa những người di cư không may đã trở thành hiện thực", bà nói.

Tại Mỹ, hơn 20 thống đốc thuộc đảng Cộng hòa cho hay đang lên kế hoạch để ngăn chặn người tị nạn Syria sống tại bang mà họ quản lý.

Giới chức Pháp hôm qua công bố hình ảnh kẻ đánh bom bí ẩn, kêu gọi người dân cung cấp chi tiết về nghi phạm. Tuy nhiên, việc thông tin nhiễu loạn hay có quá ít thông tin liên quan tới hành trình của y rõ ràng đang dóng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong cơ chế an ninh và quản lý di trú ở châu Âu, quan sát viên Anthony Faiola nhận định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG