Câu chuyện về lăng mộ vua Quang Trung một lần nữa được xới lên tại hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tổ chức vừa qua. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (TP Huế) là người đầu tiên phát hiện và khẳng định cung điện Đan Dương có liên quan đến nơi an nghỉ của vị vua này.
Không ở Phú Xuân, xây cung điện riêng?
Ròng rã gần 30 năm dành thời gian nghiên cứu về lịch sử triều Tây Sơn và nơi an táng của vua lừng danh Quang Trung (1753-1792), ông Nguyễn Đắc Xuân có một kho tư liệu tìm được từ trong và ngoài nước. Ông cho rằng cung điện Đan Dương là nơi ở, làm việc của vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn, cũng là nơi chôn cất khi vua băng hà.
Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân từ Bình Định ra đánh quân Trịnh ở đất Phú Xuân (Huế bây giờ) và lúc đó đô thành Phú Xuân nằm chỗ cửa Thượng Tứ ở sát chợ Đông Ba ngày nay. Thắng trận, Nguyễn Huệ không vào đô thành Phú Xuân trước khi ra Bắc diệt Trịnh bởi ông nhận thấy điểm yếu của kinh đô là bị kẹp giữa sông Hương và sông Kim Long, dễ bị thủy quân địch tấn công. Ngoài ra, quân đội Tây Sơn gồm nhiều voi, ngựa và người Thượng nên Nguyễn Huệ sử dụng một nơi trú quân đã có sẵn nằm trên gò núi cao, có thể quan sát được mọi động tĩnh ở đô thành bên kia sông.
Sau khi tiếp tục hành quân ra Bắc vào năm 1786, khi trở lại Phú Xuân và lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung vào năm 1788, Nguyễn Huệ cũng không ở trong đô thành mà cho xây cung điện, thành quách bởi trước đó ông đã có quyết định dời kinh đô ra Nghệ An (Phượng Hoàng trung đô).
Để củng cố thêm phân tích của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viện dẫn một lá thư của giáo sĩ La Bartette viết ngày 23/7/1788, có đoạn: “Từ khi tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự, đã cho xây cất một bức tường cao 6,48 m chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm nên bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ”.
Sách “Lê quý dật sử” của Bùi Dương Lịch (1758-1828, cùng thời Quang Trung) viết vào năm 1789 cũng chép: “Nguyễn Huệ thắng trận trở về bèn định đô ở Phú Xuân, đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện…”. Cuốn khởi thảo “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793” của Macartney, đại sứ nước Anh tại Trung Quốc, có viết: “Nguyễn Huệ hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Huế - phủ trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với vua Bắc Hà”.
Tượng đài vua Quang Trung được xây ở núi Bân - nơi Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi. Ảnh: Quang Nhật.
Cái chết được giữ kín
Ngày 16/9/1792, vua Quang Trung băng hà khi mới 39 tuổi. Trước khi biết mình không thể qua khỏi, vua đã cho mời 2 trọng thần Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ đến bên giường, dặn dò rằng việc chôn cất phải sơ sài, trong 1 tháng phải xong, đồng thời nhanh chóng phò thái tử sớm về Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An để khống chế thiên hạ, “nếu không thì binh Gia Định đến, bọn ngươi không có chỗ chôn”.
Quang Trung qua đời, thái tử Quang Toản lên kế ngôi (hiệu Cảnh Thịnh) và việc băng hà của vua cha được giữ bí mật tuyệt đối vì các thế lực đang lăm le: phương Bắc là quân Thanh, phía Nam là quân Gia Định, còn các thừa sai Thiên Chúa giáo thì ở cạnh, âm mưu tranh giành quyền lực với Nguyễn Nhạc và cả Nguyễn Ánh.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, việc vua Quang Trung băng hà được giữ bí mật tuyệt đối ngay cả với các quần thần. “Ngay cả La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mà cũng không biết vua mất, khi biết thì cũng không được vào vì đường sá canh nghiêm. Còn đối với các thừa sai Thiên Chúa giáo, dù ở gần nhưng cái chết của vua Quang Trung chỉ được họ ghi nhận sớm nhất vào cuối tháng 12/1792 bởi lá thư của ông Longer, một vị giám mục cai quản địa phận Tây Bắc Hà nhưng vẫn chưa dám chắc” - ông Xuân dẫn sử liệu cho biết.
Để đối phó với nhà Thanh, sau khi lên ngôi, thái tử Quang Toản đã cử Ngô Thì Nhậm dẫn đầu một đoàn ngoại giao qua Trung Quốc báo tang và xin tấn phong vua mới. Để che giấu hành vi đối phó của mình, sứ đoàn báo vua Quang Trung đã mất vào tháng 9 âm lịch, chậm hơn 2 tháng so với lúc vua mất và táng ở Linh Đường (Hà Nội). Muốn giữ được bí mật tuyệt đối thì chỉ còn cách táng vua ngay tại cung điện, từ đó cung điện trở thành lăng mộ của vua.
Bên cạnh đó, trong bài thơ “Cảm hoài” do Ngô Thì Nhậm viết khi sang Trung Quốc báo tin vua Quang Trung mất có chú một đoạn rằng “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Như vậy, cung điện của vua Quang Trung là Đan Dương. Sau khi vua mất phải táng ở đây để giữ bí mật và nó trở thành Đan Lăng - theo ông Nguyễn Đắc Xuân.
Tuy nhiên, việc giữ bí mật nơi táng vua Quang Trung không thể qua mắt được bà Ngọc Tuyên (cô ruột của Nguyễn Ánh), cùng với sự chống phá nhau quyết liệt trong nội bộ triều đình dưới thời vua Cảnh Thịnh.
Sử liệu và lập luận của ông Nguyễn Đắc Xuân được cho là phong phú và khá logic. Dù vậy, giới nghiên cứu vẫn đưa ra những giả thuyết khác cũng không kém phần thuyết phục…
Bị trả thù tàn khốc
Theo “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào tháng 11 năm Tân Dậu (1801), sau khi thu phục được Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn nhẫn bằng việc phá hủy mộ Quang Trung, bổ hòm, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Còn “Đại Nam liệt truyện” ghi rằng mùa đông năm 1801, xa giá trở về kinh đô báo cáo với tông miếu và dâng hiến tù binh; tội phạm Tây Sơn đều bị giết để trừng trị, đào phá mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào nhà ngục.
“Với chính sách “tận pháp trừng trị”, ngay cả một đồng xu cũng nấu chảy, vậy nên hiện giờ không còn một tư liệu nào liên quan đến triều Tây Sơn nữa. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các nhà nghiên cứu lịch sử về việc tìm ra ngôi mộ của vua Quang Trung” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân băn khoăn.
(Còn tiếp)