Bếp hát - món súp thập cẩm

Các nhân vật chính của “Bếp hát”
Các nhân vật chính của “Bếp hát”
TP - Món súp nguồn gốc từ Pháp, luôn có mặt trong thực đơn của người dân nước này. Bếp hát - bản phóng tác Việt hóa bộ phim truyền hình ca nhạc The Kitchen Musical lấy bối cảnh chính là Avilon, nhà hàng Pháp cao cấp. Ngay từ vài phân cảnh đầu đã mang hương vị món “showbiz thập cẩm”.

Show truyền hình có gì, Bếp hát có đó

Lam Trường, Tú Vi, Lê Hoàng, Phương Thanh đại diện cho mẫu nghệ sĩ đa-zi-năng đang thịnh hành. Ca hát, đóng phim, giám khảo truyền hình... gì họ cũng làm.

Mở màn bằng tiết mục hát tập thể có vũ đạo minh hoạ (bài Tiếng trống dập dồn), thấp thoáng hình ảnh Lê Hoàng (vai David Khải) ngồi bàn ăn “chấm điểm”. Lắm pha đấu khẩu, quát tháo giữa Lam Trường (Quân) và Tú Vi (Miên); sự xuất hiện lạnh lùng với mái tóc ngắn và cách ăn nói nhát gừng của Trà My Idol (Ngọc); kể cả Danny, anh chàng người nước ngoài phụ trách rượu vang nói tiếng Việt - tất cả gợi lại những cái tên Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Vietnam’s next top model, Gương mặt thân quen. Đầy đủ nhạc, hình, xì căng đan và yếu tố ngoại quốc. 


Khẳng định đích nhắm của nhà làm phim là giải trí kiểu mới. Theo dõi dư luận mạng thấy cách tiếp cận này đạt hiệu quả bước đầu. Mỗi tập phim thu hút trăm ngàn lượt xem trên Youtube. Các album bài hát trong phim đều có vị trí tại các trang web chia sẻ nhạc đình đám.


Có gì hay, có gì dở?

Mọi thứ trong phim đều có vẻ trẻ trung, kể cả nhân vật “già”. Cảnh quay bắt mắt, đặc biệt các món ăn. Giống như xem chương trình thi nấu ăn trên tivi, khán giả bình dân được thưởng thức bằng mắt món ăn cao cấp kiểu Pháp.

Giới trẻ hiện đại thích dùng tiếng Tây, tên Tây cho sang miệng. Bếp hát còn chơi sang hơn với tần suất dày đặc những Le Cordon Bleu (tên trường nấu ăn và quản lý khách sạn danh tiếng mà nhân vật Miên đã học); Avilon, Nicolas... (tên nhà hàng), Pinot noir, Bordeaux... (tên rượu); Nicoise, Creme Brulee... (tên món ăn). Đó là cũng cách dùng tên phim hay phong cách làm phim (phim của Lars Von Triers, phim Bradley brothers...) để đánh giá món ăn, “nghe” mà thấm đẫm tính nghệ thuật.

Nhược điểm chí mạng của Bếp hát là nó quá “over”. “Over”tiếng Anh có nghĩa là “lên trên”. Bộ phim giống như đang lơ lửng trên không, chưa biết lúc nào mới rơi xuống cuộc sống hiện thực.

The Kitchen Musical (Bếp hát) là bộ phim truyền hình ca nhạc rất nổi tiếng của Singapore từng được đề cử giải Emmy dành cho phim truyền hình và phát sóng rộng rãi ở châu Á. Phiên bản Việt do BHD và VTV sản xuất. Hai nghệ sĩ trẻ Phan Xine và Danny Đỗ đồng đạo diễn. Tấn Lộc, Đức Trí phụ trách biên đạo múa và âm nhạc

Dân ta mới dừng ăn no, ăn ngon. Thưởng thức cái tinh tế của nghệ thuật ẩm thực chỉ ở phạm vi rất hẹp. Xã hội hiện tại chưa thể có một David Khải bằng mấy lời bình trên mạng khiến một nhà hàng cao cấp bị đóng cửa. Nói vậy lý do vào phim, để nhân vật chính tỏa sáng bằng món súp đã trở nên “over”. 


Các mối quan hệ trong phim đa phần dễ dãi. Cái này không chỉ đổ lỗi cho kịch bản. Bếp trưởng Quân gượng gạo, thiếu uy, chỉ giỏi chấp nhặt làm gãy đổ hệ thống quan hệ xung quanh. Bếp - Sảnh - Quản lý đều có vấn đề. Quản lý Hải (Thành Lộc) giống một quản gia nhàn tản hơn. Ngọc, phụ trách sảnh lúc nào cũng kiêu kỳ, cứng nhắc mà nhân viên (lễ tân, chạy bàn) vẫn mang phong cách chơi chơi. Sự xuất hiện của Phong (Huy Khánh) và Hương (Hương Giang Idol) càng khiến mọi chuyện chẳng đâu vào đâu.

Cảnh bếp núc đơn sơ với đầu bếp áo trắng tinh, làm việc thảnh thơi như tập dưỡng sinh hết sức “over”. Đầu bếp đổ mồ hôi vì hát và nhảy nhiều hơn là nấu ăn. Chỉ hệ thống quản lý điện tử và câu đáp đồng thanh “Rõ, sếp” của đám đầu bếp còn mong manh gợi về một nhà hàng danh tiếng với sức ép về doanh số, thương hiệu và kỷ luật. 

Câu chuyện phi thực tế lên tới quá lố trong tập 3 với đám cưới Pháp - Ấn. Mấy màn chuẩn bị, dùng thử món của gia đình “người Ấn thuần Việt” với dụng ý gây cười biến phim thành sân khấu kịch. Dù sự “ngẫu hứng” ấy đã thành hệ thống từ cách kể chuyện, cắt cảnh tới hát.

Tóm lại mọi thứ đều có hai mặt của nó. Khuếch trương phóng đại lôi kéo sự chú ý cũng kéo theo hệ lụy biến tác phẩm thành một kẻ “trưởng giả học làm sang”. 

Xem những chương trình như Bếp hát, càng thấy việc thu hút quảng cáo dường như là mối bận tâm sâu sắc của các nhà làm phim hiện nay.

Và, xem phim ca nhạc mới chợt thấy hoài cổ. Cũng là cảnh, là thoại, nhạc và lời ca, sao tuồng, chèo, cải lương lại hợp lý sâu sắc thế. Sự khác nhau liệu có nằm ở chính cái tâm của nghệ sĩ hay không?

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.