Nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc của Luật dược vừa được thông qua quy định việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; thực hiện các biện pháp bình ổn giá và sử dụng các biện pháp khác để quản lý giá thuốc phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Về các biện pháp quản lý giá thuốc, sẽ thực hiện đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia theo quy định tại Luật Đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia; đấu thầu thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập theo quy định tại Luật đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai; niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược…; thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội…
Trước đó báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Ban thẩm tra dự thảo luật cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc để giảm giá thuốc; có ý kiến đề nghị trong trường hợp giá thuốc đấu thầu do Bộ Y tế công bố có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các bệnh viện thì Bộ Y tế hoặc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét cho phù hợp.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc vận hành tốt cơ chế đấu thầu thuốc sẽ làm cho các loại thuốc có cạnh tranh gay gắt về giá, tầng nấc trung gian sẽ dần tự triệt tiêu. Để khắc phục sự chênh lệch về giá giữa các kết quả trúng thầu khi việc đấu thầu thuốc vẫn đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật, ban thẩm tra đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật giá và Luật đấu thầu.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định bệnh viện được mua thuốc theo phương thức đấu thầu thuốc hoặc mua thuốc theo khung giá do Bộ Y tế hay BHYT đàm phán; quy định để có phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc; tăng vai trò của hội đồng thuốc để giảm tiêu cực trong kê đơn; quy định tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ sở y tế khám chữa bệnh (KCB) có quyền quyết định số lượng thuốc theo nhu cầu sử dụng...
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, các vấn đề này liên quan đến việc cung ứng thuốc trong cơ sở KCB và hiện đang được triển khai thực hiện theo quy định của Luật KCB, Luật BHYT và Luật Đấu thầu, do vậy, không quy định trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua bao gồm 14 chương, 116 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.