Tại Bệnh viện K Trung ương, BS Nguyễn Bá Tĩnh- Trưởng phòng Công tác xã hội của BV cho biết, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, BV đã có các giải pháp cơ bản. Trước hết, tại các cơ sở 1,2 và 3 của BV K đều đã tăng cường quạt mát, điều hoà cho khu vực khám bệnh và các khoa, phòng điều trị; đồng thời tất cả điều hoà tại các phòng điều trị cũng được bật 24/24h để phục vụ bệnh nhân (trước đó điều hoà chỉ bật luân phiên theo giờ).
Cũng theo BS Tĩnh, tại một số khoa phòng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng, BV đã lên phương án căng thêm bạt che để hạn chế nắng nóng cho khoa, phòng; đồng thời BV đã bổ sung thêm cây xanh tại sảnh của các khoa, phòng đông bệnh nhân để làm "dịu" bớt nắng nóng trong lúc bệnh nhân chờ khám/ điều trị.
Ngoài ra, các cây cung cấp nước uống miễn phí trong BV cũng được kiểm tra đường dẫn nước, bộ phận lọc nước để đảm bảo cung cấp đủ nước uống sạch cho người bệnh/người nhà bệnh nhân.
Tại các bệnh viện khác của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đống Đa, bệnh viện Xanh Pôn... nhiều biện pháp chống nóng cho người bệnh cũng được tăng cường như mở hết công suất các máy điều hoà, lắp đặt thêm quạt tại các phòng bệnh, các khu vực xếp hàng chờ khám, khu xét nghiệm, lấy kết quả khám bệnh...
Ngoài ra, để ứng phó với thời tiết nắng nóng và không để người nhà bệnh nhi cùng bệnh nhi phải chờ lâu, BV Nhi TƯ đã tổ chức đón tiếp bệnh nhi từ 5h và khám bệnh từ 7h sáng mỗi ngày, BV cũng đã tăng cường bàn khám, đồng thời tăng cường hướng dẫn, chia nhiều khu vực khám để giảm áp lực tại một số điểm như Khoa điều trị tự nguyện A, Phòng khám 24h, Phòng khám truyền nhiễm...
Để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và đông bệnh nhân, BV Nhi TƯ đã tổ chức in và trả kết quả xét nghiệm ngay tại phòng khám.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã tăng cường thêm ghế ngồi, quạt mát, nước uống miễn phí, đồng thời tại khoa Khám bệnh 2, trang bị thêm điều hoà đề phục vụ.
ThS Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị như bổ sung quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh.
Có phương án giảm tải khu vực khám bệnh, nơi thu viện phí… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Hạn chế tình trạng nằm ghép, với các khoa hồi sức, nhi, sản, phòng cấp cứu…phải có đủ quạt thông gió hoặc điều hòa nhiệt độ.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về sơ cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng, say nóng, các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng, nóng…