Nằm ngay thành phố Cần Thơ, khối nhà 5 tầng từng là các khoa, phòng khám chữa bệnh của bệnh viện đa khoa Tây Đô hiện bám đầy rong rêu. Khuôn viên viện hàng ngàn m2 ngập trong cây cỏ, nhiều ghế đá nghiêng ngửa, rệu rã. Vách tường và trần trong tình trạng bong tróc, thấm nước. Dưới nền gạch, nhiều chỗ đã bị sụt lún. Ngoài sân, những chiếc xe cấp cứu bám đầy bụi...
“Cây cỏ um tùm. Rắn rết, chuột trong khuôn viên bệnh viện nhiều lắm, người dân sống xung quanh rất sợ, nhất là rắn lục đuôi đỏ”, bà Trần Thị Hai (60 tuổi), nhà đối diện bệnh viện cho biết.
Tây Đô từng là bệnh viện tư nhân hiện đại bậc nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô 100 giường bệnh, 7 phòng mổ, 180 y bác sĩ, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Nhưng nhiều năm nay, bệnh viện đã bỏ hoang do tranh chấp kéo dài.
Theo ông Cao Trường Thọ, Trưởng ban kiểm soát của bệnh viện, năm 2004, hơn 50 thành viên góp vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị và giữa năm 2007 bệnh viện đi vào hoạt động.
Cây cỏ che gần hết lối vào Trung tâm khí y tế của bệnh viện. Ảnh: Cửu Long.
Gần 2 năm sau, các thành viên tranh chấp quyền kiểm soát, tố cáo đến cơ quan chức năng. Sau thanh tra, bệnh viện bị kết luận có nhiều sai phạm như: nâng khống giá đất, giá mua vật tư, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh...
Đến tháng 4/2012, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tây Đô. Con dấu của bệnh viện sau đó bị thu hồi. Năm 2013, công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án Sử dụng trái phép tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại viện này để điều tra các cá nhân liên quan.
"Sau nhiều năm thưa kiện, những người liên quan đều thiệt hại. Nhưng lỗi lớn nhất là với xã hội vì các bệnh viện trong khu vực quá tải, nơi đây lại ngưng hoạt động”, Trưởng ban kiểm soát của bệnh viện nói.
Ông Thọ cho biết thêm, để tránh hư hỏng các trang thiết bị y tế đắt tiền như máy cộng hưởng từ MRI, máy CT-Scanner, dàn máy xét nghiệm, siêu âm cao cấp... bệnh viện phải duy trì chạy máy lạnh và thuê bảo vệ trông coi.
Xe cấp cứu lâu ngày không sử dụng nên bụi, rêu bám đầy. Ảnh: Cửu Long.
Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, về mặt xã hội, bệnh viện quy mô, hiện đại mà bỏ không mấy năm qua là lãng phí lớn, dù là của tư nhân. Do vậy, việc sớm tìm được sự đồng thuận của các bên để có phương án giải quyết cho bệnh viện sớm hoạt động là rất cần thiết.
“Trước đây, lúc cao điểm, bệnh viện đạt doanh thu 500 - 600 triệu đồng/ngày, giờ bỏ hoang, mỗi tháng còn phải tốn 40 triệu đồng thuê bảo vệ, trả tiền điện. Nếu không thưa kiện, bệnh viện đã hoàn tất giai đoạn 2, tăng quy mô lên 200 giường bệnh rồi”, ông Thọ tiếc rẻ.
Trưởng ban kiểm soát của bệnh viện cho biết thêm, hiện các bên đã ngồi lại, thống nhất xin đăng ký hoạt động trở lại rồi bán bệnh viện. Hiện có một đối tác từ Mỹ đang xúc tiến mua bệnh viện để duy trì việc khám chữa bệnh.