Bệnh vảy nến ở trẻ em ngày càng gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vảy nến là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên gần đây, bệnh vảy nến ở trẻ em đang ghi nhận có sự gia tăng.

Thông tin trên được BS Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết trong Hội nghị Khoa học Da liễu miền Nam năm 2022 diễn ra ngày 25/9 tại TPHCM.

Vảy nến là bệnh không truyền nhiễm, xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và nhắm vào các tế bào da khỏe mạnh gây viêm dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da. Tình trạng này làm tăng tốc độ tái tạo tế bào da, khiến chúng tích tụ quá nhanh trên bề mặt da, tạo nên các tế bào da thừa, hình thành các mảng khô, đỏ, ngứa và đôi khi đau đớn.

Bệnh vảy nến ở trẻ em ngày càng gia tăng ảnh 1

Bệnh vảy nến có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển và chất lượng sống của trẻ em (ảnh minh họa)

Theo BS Phương Thảo, số liệu thống kê trên toàn cầu cho thấy, giai đoạn năm 1995 đến năm 1997, tỷ lệ trẻ mắc bệnh vảy nến chỉ dao động ở mức khoảng 30 trẻ/100.000 dân. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2001 tỷ lệ trên đã tăng lên mức 60 trẻ mắc/100.000 dân. Càng về sau, số lượng trẻ mắc vảy nến càng được ghi nhận nhiều hơn và gia tăng dần theo độ tuổi.

“Bệnh vảy nến ở trẻ có thể mắc ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp ở trẻ từ 9 đến 10 tuổi. Bệnh vảy nến khởi phát sớm thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam. Nếu bệnh khởi phát sớm thì tình trạng bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với những trường hợp khởi phát muộn” – BS Phương Thảo nói.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể về bệnh lý vảy nến ở trẻ. Tuy nhiên, số liệu bệnh nhi bị vảy nến đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022 cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc bệnh vảy nến dưới 18 tuổi chiếm tới hơn 4,2% trong tổng số bệnh nhân. Vảy nến đang trở thành bệnh lý cao trong nhóm các bệnh lý về da liễu trong các bệnh nhân đến khám, điều trị.

Theo BS Phương Thảo, trẻ em mắc bệnh vảy nến thể mạn tính là nhóm thường gặp nhất. Các mảng hồng ban hoặc tróc vảy thường mỏng và mềm, ít vảy hơn. Tuy nhiên, tình trạng ngứa lại nhiều hơn. Trẻ thường bị vảy nến ở vùng da đầu, khuỷu tay, đầu gối hoặc các vùng tì đè khác. Nhiều trẻ còn bị vảy nến ở mặt, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và khiến trẻ tự ti trong cuộc sống.

Bệnh vảy nến đến nay chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị giúp giảm triệu chứng ngứa, đau cho trẻ bằng thuốc thoa tại chỗ. Với những trẻ bị bệnh vảy nến thể mạn tính, tổn thương da nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp quang trị liệu, điều trị hệ thống, điều trị toàn thân và thuốc sinh học. Nhiều trẻ sau thời gian mắc bệnh có tiên lượng khả quan khi bệnh có thể tự lui hoặc khỏi hoàn toàn.

Bệnh vảy nến là tình trạng không thể đoán trước. Việc tổn thương trên da thường khiến trẻ mặc cảm, tự ti với cơ thể của chính mình. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả khi xuất hiện các triệu chứng da của bệnh thì có thể bệnh sẽ không trở lại. Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh vảy nến, phụ huynh cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa da liễu để được thăm khám, điều trị cả về bệnh lý và tâm lý.

MỚI - NÓNG