Đã ghi nhận có những bệnh nhân mới 30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim, điều rất hiếm thấy từ trước tới nay.
Các chuyên gia tim mạch cho rằng, bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình và thường được phát hiện tình cờ trong những đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám bệnh vì lý do khác. Dấu hiệu không điển hình của bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp. Các nguyên nhân có thể gặp là do bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, những thói quen không tốt như ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng, lười vận động đều khiến nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng cao.
Mặc dù người trẻ tuổi ít bị tăng huyết áp hơn người già rất nhiều nhưng khi đã mắc bệnh này diễn biến bệnh nhanh hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng hơn, và việc điều trị cũng phải tích cực, theo dõi sát sao hơn. Bệnh tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh không có những triệu chứng điển hình. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: bệnh tim, phình tách động mạch chủ, mắt, não, thận, tai biến mạch não. Đặc biệt, nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp, do đó, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.
Để phòng ngừa cũng như hạn chế tác hại từ căn bệnh tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp của mình như nhớ tuổi. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng như không ăn mặn, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật. Hạn chế uống rượu bia, cần giảm cân với người béo phì, nên vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 – 45 phút, vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có).
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ này tăng lên là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại. Theo thống kê năm 2015 của Hội tim mạch học Việt Nam, trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc tăng huyết áp.