Bệnh nhân bị vi khuẩn “ăn” thủng tim được cứu sống như thế nào?

TP - TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai), cho biết các bác sĩ mới cứu sống bệnh nhân vụ vi khuẩn “ăn” thủng nhiều bộ phận của tim. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công rách hết van động mạch chủ, sang cơ tim, suy tim, khó thở, sốt, phải dùng nhiều loại kháng sinh đắt tiền. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân không thể kiểm soát được bằng kháng sinh. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn tấn công vào tim người bệnh, gây viêm cơ tim và nhiều ổ áp xe mủ ở cơ tim.

Bác sĩ Hùng nhận định đây là ca khó, cần thời gian điều trị lâu dài. Thông thường với những bệnh nhân khác cần điều trị khỏi hết các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng trước khi phẫu thuật tim. Nhưng với trường hợp này, bệnh nhân cần phải phẫu thuật sớm vì thuốc đã không thể kiểm soát được nhiễm khuẩn. Khi phẫu thuật, bệnh nhân không thể thay van tim nhân tạo bởi vi khuẩn đã làm hỏng nhiều bộ phận của tim.

Thêm nữa, khi thay van tim nhân tạo việc kiểm soát nhiễm khuẩn càng khó hơn. Các bác sĩ phải hoán đổi van, cắt van động mạch phổi để ghép sang vị trí của van động mạch chủ, sau đó lấy màng tim tạo ra một van nhân tạo khác thay thế van động mạch phổi bị cắt. Sau 6 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ. Bác sĩ Hùng cho hay, những thương tổn nặng nề khiến van rách nát, cơ tim ăn thành ổ áp xe đầy mủ, các bác sĩ phải làm sạch, lấy banh gắp hết tổ chức mùn ra để phẫu thuật.

TS Hùng chia sẻ: “Kỹ thuật này được phẫu thuật viên người Anh làm từ những năm 1967, không phải trung tâm nào trên thế giới cũng thực hiện vì khó. Đây là phẫu thuật phức tạp, nguy cơ rủi ro nên không tiến hành đại trà, chỉ dùng cho những trường hợp đặc biệt, nhiễm trùng nặng hoặc với trẻ có van nhỏ, không có van nhân tạo để thay van động mạch chủ”.

Được biết, trước khi bệnh nặng, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, sốt đi sốt lại. Khám bác sĩ tuyến dưới được chẩn đoán sốt virus, xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên bệnh nhân uống thuốc không đỡ, sức khỏe ngày càng suy giảm, mệt mỏi, ăn uống kém, người đau. Hơn 3 tháng sau khi có những triệu chứng trên, bệnh nhân bị ngất, người tím tái. Gia đình đưa thẳng chị lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vào giữa tháng 9.

Sau 2 tuần hậu phẫu, bệnh nhân mới ổn định, được rút ống thở, chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, tiếp tục điều trị nhiễm khuẩn cho triệt để bằng cách dùng kháng sinh mạnh, kháng sinh đắt tiền. Sau 3 tháng được điều trị tích cực, bệnh nhân đã xuất viện với tình trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Hiện bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, ăn uống ngon miệng hơn.

Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương do nhiều tác nhân khác nhau (trong đó có nguyên nhân do virus) dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim.

Ngoài ra, bệnh còn có thể do nhiễm các vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng khác. Nhiễm độc hóa học do tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc dị ứng với một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến viêm cơ tim. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu trong vài ngày đến một vài tuần sau đợt sốt cấp hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc có suy tim mà không có triệu chứng trước đó. Thường có đau ngực do màng phổi, màng tim. Các triệu chứng toàn thân không đặc hiệu cũng thường có. Thăm khám thấy nhịp tim nhanh, nhịp ngựa phi và các dấu hiệu khác của suy tim hoặc rối loạn dẫn truyền.

MỚI - NÓNG