Bế tắc trong phát triển động cơ tiêm kích tàng hình J-20, Trung Quốc lại tìm sang Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc
TPO - Từ lâu, Trung Quốc đã phụ thuộc vào nguồn động cơ nhập khẩu từ Nga để trang bị cho các chiến đấu cơ của họ. Giờ đây, các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiếp cận một công ty sản xuất động cơ Ukraine có thể thay đổi điều đó. Nhưng tất nhiên Mỹ không để yên.

Washington và Kiev đang cố gắng ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp quản một nhà sản xuất động cơ phản lực ít được biết đến bên ngoài Ukraine, Motor Sich. Nếu thương vụ thành công, nó sẽ cho phép Trung Quốc có được một công nghệ quốc phòng quan trọng nhưng vượt quá khả năng của họ trong nhiều thập kỷ, một trong số ít lĩnh vực còn lại mà Mỹ và các đồng minh vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh.

Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội tiếp cận Ukraine và thu được một số công nghệ trong lĩnh vực vũ khí. Hình ảnh biểu tượng cho việc này là tàu sân bay Liêu Ninh, vốn là một tàu sân bay lớp Kuznetsov mà Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô.

Trong nhiều thập kỷ, gót chân Achilles của không quân Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không thể thiết kế và chế tạo các máy bay phản lực quân sự đáng tin cậy. Kể từ khi Quân đội Trung Quốc (PLA) thực hiện quá trình hiện đại hóa cho đến nay, họ đã phải dựa vào công nghệ hàng không – đặc biệt là động cơ - nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, gần đây, PLA đã cố gắng phá vỡ thế phụ thuộc này bằng cách mua lại một công ty hàng không ở Ukraine, tên chính thức là Hiệp hội sản xuất động cơ Motor Sich.

Có trụ sở tại Zaparozhiye, Ukraine, Motor Sich là một trong những doanh nghiệp hàng không lớn nhất còn sót lại từ thời Liên Xô cũ và ngày nay có lẽ họ là công ty duy nhất có thể tự thiết kế và chế tạo một động cơ mới. Các công ty hàng không lớn khác - tất cả đều ở Nga - đã mất rất nhiều nhân sự trong những năm qua đến nỗi mọi chương trình động cơ mới của Nga đều là nỗ lực hợp tác giữa ba hoặc nhiều phòng thiết kế.

Nỗ lực của Trung Quốc trong việc mua lại đó đã bị chặn bởi cả chính phủ Mỹ và Ukraine - Mỹ trong nỗ lực ngăn Bắc Kinh giải quyết vấn đề thiếu hụt công nghệ công cơ máy bay và Ukraine hành động để không mất đi một doanh nghiệp quan trọng về mặt chiến lược.

Chính phủ Mỹ chỉ ra rằng Beijing Skyrizon, thực thể Trung Quốc đang cố gắng tiếp quản Motor Sich, không phải là một công ty tư nhân mà là một phần mở rộng của đế chế công nghiệp-quân sự của PLA. Các quan chức Mỹ và Ukraine đều khẳng định rằng các nhà hoạch định PLA muốn công ty Ukraine vì các nhà cung cấp Nga truyền thống của họ không có lợi ích thương mại hoặc lợi ích quốc gia trong việc cung cấp cho Trung Quốc bí quyết kỹ thuật giúp họ có quyền tự chủ trong chế tạo động cơ máy bay mà họ tìm kiếm.

Các quan chức tình báo phương Tây nói với Breaking Defense rằng, “vấn đề này đang được tất cả các quốc gia đồng minh (và Mỹ) theo dõi rất chặt chẽ”.

Có được những động cơ phản lực tiên tiến đã là một vấn đề nhức nhối đối với Bắc Kinh trong ít nhất một thập kỷ. Vào tháng 1 năm 2011 - sau nhiều tuần để thiên hạ suy đoán và hàng chục bức ảnh rò rỉ được đăng tải trên internet - Không quân PLA lần đầu tiên cho cất cánh tiêm kích Chengdu J-20 thế hệ thứ năm của họ.

Chuyến bay cũng diễn ra cùng lúc với chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates. Điều đó được hiểu là một nỗ lực để vừa làm bối rối người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng như thông báo việc CHND Trung Hoa tham gia “câu lạc bộ” các quốc gia chế tạo máy bay chiến đấu hiện đại.

Nhưng sự bối rối thực sự và không thể nhìn thấy được thuộc về người Trung Quốc. Cụ thể, thực tế là máy bay J-20 đã bay với hai động cơ phản lực Salyut / Lyulka AL-31F do Nga sản xuất - cùng một loại động cơ được lắp trên các mẫu Su-27/30 của PLA cũng như trong một sản phẩm khác của công ty hàng không Thành Đô, tiêm kích J-10. Nói cách khác, công nghệ động cơ đẩy thế hệ thứ 3 của những năm 1980 đã được sử dụng để trang bị cho một chiếc máy bay thế kỷ 21.

Đầu tháng này, một trong những trang tin quân sự uy tín của Nga đã đăng bài phân tích về những thất bại của Trung Quốc trong việc phát triển động cơ WS-15 Nga Mi vốn được dự định trang bị cho J-20. Động cơ đã được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2018 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nhưng đã bị xóa khỏi triển lãm do các vấn đề liên tiếp về độ tin cậy: một nguyên mẫu được cho là phát nổ trên giá thử nghiệm.

MỚI - NÓNG