“Treo” dự án vì chủ đầu tư sợ khó thu hồi vốn
Theo Phòng CSGT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 5 triệu xe máy và hơn nửa triệu ô tô, tuy nhiên các bãi đỗ xe công cộng mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Khoảng 90% phương tiện còn lại đang phải đỗ trên đường, vỉa hè hoặc tự tìm chỗ đỗ ở các khuôn viên, ngõ ngách… Trong khi phương tiện khát điểm đỗ thì 7 dự án bãi đỗ xe ngầm đã được UBND thành phố Hà Nội có chủ trương triển khai từ nhiều năm nay, trong đó dự án tại 295 Lê Duẩn đã giao cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội sau gần 10 năm vẫn chỉ là bãi đất trống. Thay vì bãi đỗ xe công cộng, tại đây đang hình thành các điểm trông xe lậu với mức giá chặt chém.
Với 6 dự án bãi đỗ xe ngầm còn lại, gồm: Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường 19/8 (Nhà hát lớn Hà Nội), Quảng trường Ngân hàng Nhà Nước, Công viên Tuổi trẻ… mặc dù chủ trương của thành phố đưa ra cả chục năm nay, tuy nhiên đến nay tất cả các dự án này vẫn nằm trên giấy.
Lý giải cho việc được UBND thành phố giao mặt bằng sớm nhất trong các dự án trên, nhưng đến nay bãi đỗ xe ngầm trong công viên Thống Nhất đoạn tại số 295 Lê Duẩn chưa có hình hài, đại diện Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là việc huy động nguồn vốn và cơ chế để nhà đầu tư thu hồi số vốn khó khăn. Theo đại diện Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, việc thu hồi vốn đầu tư dự án bãi đỗ xe hiện nay chỉ thông qua giá phí trông xe nên đơn vị mời chào nhiều nhưng chưa có nhà đầu tư nào mặn mà.
Công ty Cổ phần Tràng An là một trong các nhà đầu tư quan tâm đến một số dự án bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội cũng nêu nhiều khó khăn. Với dự án bãi đỗ xe ngầm trong Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô có chủ trương xây 5 tầng hầm với mức đầu tư được doanh nghiệp dự toán khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu thu hồi vốn chỉ thông qua giá trông xe thì phải mất khoảng 50 đến 70 năm mới thu hồi vốn.
Đại diện Công ty Cổ phần Tràng An cho rằng, thay vì chỉ thu hồi vốn qua giá phí trông xe, thành phố nên có cơ chế linh động để thu hút các nhà đầu tư.
Được sử dụng một phần bãi xe để kinh doanh...
Thông tin với PV Tiền Phong ngày 18/12, đại diện liên ngành Hà Nội (Sở GTVT - QH&KT) cho biết, sau khi Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, cùng với đó cơ chế, giải pháp thực hiện được thành phố xây dựng, hiện 6/7 dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn thành phố đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Với dự án bãi đỗ xe ngầm tại khu thể thao Quần Ngựa trên tổng mặt bằng được quy hoạch 1 ha, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Phúc Lợi đã trình phương án muốn xây dựng 5 tầng hầm đỗ xe. Với phần hoàn vốn đầu tư, doanh nghiệp Phúc Lợi xin cơ chế được sử dụng 1 phần diện tích tại dự án để kinh doanh. Công ty Cổ phần Phúc Lợi cũng là nhà đầu tư đang quan tâm, muốn đầu tư 3 dự án bãi đỗ xe ngầm khác tại Hà Nội là Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Công viên Tuổi trẻ, Quảng trường 19/8 (Nhà hát lớn). Cũng với quy mô xây 5 tầng hầm, tại 3 dự án này Cty Cổ phần Phúc Lợi cũng xin UBND thành phố Hà Nội cơ chế được sử dụng một phần diện tích dự án để kinh doanh, tạo nguồn thu hoàn vốn.
Tại dự án bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thủ Lệ, cũng với quy mô từ 3 đến 5 tầng hầm, nhà đầu tư quan tâm, muốn xây dựng dự án này là Công ty Cổ phần Him Lam. Với bãi đỗ xe ngầm trong công viên Thống Nhất khu vực tại số 295 Lê Duẩn, hiện tại thành phố vẫn giao cho Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội triển khai. Theo đó, với quy mô, thiết kế đã được thành phố chấp thuận là 3 tầng hầm trên tổng mặt bằng là 5.600m2, đại diện Cty Khai thác điểm đỗ xe cho biết, từ cơ chế, chính sách thành phố vừa trình HĐND, đơn vị sẽ quyết tâm đứng ra huy động nguồn vốn để dự án sớm được thực hiện.
Để thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án bãi đỗ xe khi thực hiện bằng vốn xã hội hóa, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thay vì chỉ thông qua thu phí trông xe, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách để nhà đầu tư hoàn vốn sớm.
Cụ thể, thành phố hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất trong 10 năm đầu khi dự án đưa vào sử dụng; được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi, trường hợp sử dụng vốn vay thương mại được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% lãi suất trong 3 năm đầu; UBND thành phố phê duyệt mức giá cho từng khu vực, thậm chí từng dự án nhằm đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư. Về chính sách kinh doanh, thành phố cho phép nhà đầu tư được sử dụng 1 phần diện tích tại dự án bãi đỗ xe để kinh doanh thương mại, tăng doanh thu, rút ngắn thời gian hoàn vốn.
“Xã hội hóa các dự án xây dựng, cụ thể là huy động vốn qua các hình thức đầu tư BT, BOT… lâu nay mới đang triển khai nhiều ở các dự án hạ tầng giao thông, hy vọng với dự án bãi đỗ xe, khi được áp dụng các hình thức đầu tư này, tình trạng khát điểm đỗ xe tại Hà Nội thời gian tới sẽ được cải thiện”.
UBND thành phố Hà Nội vừa trình HĐND thành phố giải pháp, cơ chế để thúc đẩy các dự án bãi đỗ xe trên địa bàn. Từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2050, hệ thống bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu của người dân. Từ nay đến năm 2030 thành phố dự kiến sẽ đầu tư 204 dự án bãi đỗ xe, trong đó có hoàn thành 7 bãi đỗ xe ngầm đã có chủ trương. Tổng số vốn đầu tư trên 29.800 tỷ đồng, hình thức huy động vốn là xã hội hóa.