Bé gái nguy kịch vì hội chứng 'công chúa tóc mây'

0:00 / 0:00
0:00
Bé gái nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực
Bé gái nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực
TPO - Nhập viện trong tình trạng tổn thương gan cấp, sốc nhiễm khuẩn nặng, bệnh nhi được bác sĩ xác định bị tắc ruột. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hội chứng “công chúa tóc mây” khiến bé gái thường xuyên ăn tóc của chính mình.

Ngày 14/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết vừa điều trị thành công hội chứng “công chúa tóc mây” cho bệnh nhi K.B. (4 tuổi, ngụ tại Cà Mau).

Trước đó, B. nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tổn thương gan cấp, sốc nhiễm khuẩn không rõ nguyên nhân.

Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước đó bệnh nhi bị nhiễm trùng đường ruột, nôn ói liên tục, tiểu phân lỏng, đau bụng, bí tiêu tiểu. Bé đã được điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng ngày càng nặng nên phải chuyển viện.

Tại bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm và X-quang kiểm tra thì phát hiện bệnh nhi bị tắc ruột. Sau khi hỗ trợ điều trị nội khoa, cho bệnh nhi thở máy, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt ống thông vào trực tràng hỗ trợ tháo chất thải của cơ thể. Một lọn tóc khổng lồ đúc thành khuôn kéo dài kết chặt trong đường ruột của bệnh nhi đã được lấy ra ngoài thành công. Sau can thiệp, ngày 14/12 tình trạng sốc nhiễm trùng ở bệnh nhi nhanh chóng cải thiện.

Bé gái đã ăn rất nhiều tóc trong thời gian dài, tuy nhiên gia đình không để ý nên không nhận biết được mức độ nguy hiểm. Các bác sĩ cho biết, đây là một dạng bệnh lý hiếm gặp có tên gọi “hội chứng công chúa tóc mây” được đặt tên theo nhân vật Rapunzel trong truyện cổ tích. Hội chứng trên gồm 2 bệnh lý kết hợp là nhổ tóc và ăn bậy những thứ không phải thức ăn trong đó có tóc.

Bé gái nguy kịch vì hội chứng 'công chúa tóc mây' ảnh 1

Búi tóc khổng lồ được nhân viên y tế lấy ra từ đường ruột của bệnh nhi

Thực tế khi bác sĩ kiểm tra lại mái tóc của bệnh nhi đã phát hiện vùng trán và 2 bên thái dương của bé đã bị nhổ gần hết, phù hợp với bệnh cảnh của hội chứng trẻ gặp phải. Nguyên nhân của căn bệnh có thể do các yếu tố tâm lý, tâm thần và rối loạn cảm xúc ở trẻ.

Dự kiến, sau khi điều trị ổn định sức khỏe, bệnh nhi sẽ tiếp tục được bác sĩ thăm khám, hỗ trợ nâng đỡ tâm lý. Để loại bỏ thói quen nhổ tóc, ăn tóc của những trường hợp tương tự, trẻ cần được phụ huynh quan tâm, giúp tinh thần bé ổn định hơn, đồng thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị theo chỉ định chuyên khoa.

MỚI - NÓNG