Các bác sĩ bất ngờ vì diễn biến rất nhanh
Trước diễn biến quá nhanh của ca bệnh, mẫu bệnh phẩm đã được lấy và kết quả xét nghiệm của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khẳng định bé mắc cúm B. Đáng nói, đây là một chủng cúm thông thường, lành tính nhưng trên ca bệnh này đã diễn biến rất nhanh, khiến bệnh nhi tử vong nhanh chóng.
Hình ảnh phổi tổn thương của bệnh nhi. Ảnh: BV cung cấp
Trước đó, ngày 22/12, bệnh nhi 12 tuổi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xuất hiện các hội chứng cúm thông thường như đau họng, ho và sốt nhẹ, gia đình cũng chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt, theo dõi con. Đến sáng 24/12, bệnh nhi vẫn chỉ có những biểu hiện trên và bé còn đòi đến trường vì đã nghỉ học 2 ngày nhưng gia đình vẫn quyết định cho trẻ ở nhà. Đến trưa cùng ngày, cơn sốt tăng dần kèm theo hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bé vào BV địa phương khám. Tại đây, hình ảnh chụp X-quang cho thấy phổi trái của bệnh nhi đã trắng xóa và lan dần sang phổi phải kèm theo hiện tượng suy hô hấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển thẳng đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết tạ thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, phải vào thở máy ngay và ngay lập tức được uống Tamiflu. Tuy nhiên, sau gần 2 giờ cấp cứu, diễn biến của bệnh nhi không cải thiện, thở máy không đáp ứng, ôxy máu xuống thấp và xuất hiện suy đa phủ tạng rồi tử vong.
Theo BS Cấp, tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ cũng nhận định bệnh nhi viêm phổi do vi rút mới diễn biến nhanh và nặng như vậy. Tuy nhiên, khi kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhi này dương tính với vi rút cúm B khiến các bác sĩ không khỏi bất ngờ. Bởi cúm B là một thể cúm thường khá lành tính, nhưng không hiểu vì sao trên bệnh nhi này lại diễn biến quá nhanh, suy hô hấp, suy đa phủ tạng rồi tử vong nhanh chóng.
5% diễn tiến nặng
Tại thời điểm này, tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương vẫn tiếp nhận rải rác những bệnh nhân mắc cúm thông thường đến khám nhưng đều biểu hiện nhẹ, chưa trường hợp nào phải nhập viện.
Trước đó, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai đều đã từng tiếp nhận, điều trị những ca viêm phổi nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong do nhiễm cúm thường A/H1N1. Trong khi 95% số ca nhiễm chủng cúm này biểu hiện nhẹ, tự khỏi thì cũng có khoảng 5% diễn biến nặng gây viêm phổi, đặc biệt ở người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… thậm chí không loại trừ cả thanh niên khỏe mạnh nếu chủ quan với cúm, nghĩ bệnh đơn giản nên khi diễn biến nặng lên vẫn không biết để đi khám bệnh.
TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng thời gian gầy đây tỷ lệ mắc cúm thấp. Các chủng cúm H1N1, H3N2, cúm B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường. Vì thế, mắc các chủng cúm này, đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm cúm nhẹ, tự khỏi. Tuy nhiên, bất cứ chủng cúm nào cũng có tỷ lệ nhỏ nhất định diễn biến nặng gây viêm phổi tử vong.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết: “Các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1, cúm mùa hay H5N1, H7N1. Riêng với cúm đại dịch 2009 là cúm A/H1N1, cúm B, H3N2 đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất”.
Cách phòng bệnh cúm hiệu quả
Theo BS Cấp, để phòng bệnh cúm, tiêm vắc xin cúm cũng là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm. Mọi người nên tiêm phòng trước mùa cúm 1 tháng. Tại nước ta, theo dịch tễ, tháng 3 dương lịch là một trong những tháng có tỷ lệ mắc nhiễm cúm cao nhất, tiếp đó là tháng 10. Tuy nhiên, do vi rút cúm luôn luôn có sự biến đổi. Vì thế, mỗi một lần tiêm chỉ có giá trị phòng cúm trong năm đó. Đến năm sau, phải tiêm mũi vắc xin phù hợp với loại vi rút của năm đó thì mới phòng được bệnh.
Nâng cao thể trạng cũng là cách chống lại những tác nhân gây bệnh, trong đó có vi rút cúm.
Với trẻ em, cần chú ý giữ ấm, mặc quần áo theo thời tiết. Khi lạnh mặc nhiều, thời tiết ấm lên thì cởi bớt. Vì trẻ thường hoạt động nhiều, mặc nhiều, ra mồ hôi nhiều quá lại là nguyên nhân gây cảm lạnh.
Vi rút cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, qua mũi, họng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Vì thế, để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt.
Khi đi đường, nên mang khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp.
Còn khi đã nhiễm bệnh, nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác.