Báu vật của nữ giao liên M’Nông ngày ấy

Bà H’Yiêng (hàng đầu, người nữ thứ hai, từ trái sang) vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ.
Bà H’Yiêng (hàng đầu, người nữ thứ hai, từ trái sang) vinh dự được chụp ảnh cùng Bác Hồ.
TP - Sinh ra, lớn lên giữa buôn làng Tây Nguyên hoang tàn vì đạn bom giặc Mỹ, bà H’Yiêng Đắk Chắt người M’ Nông đã cùng đồng bào vùng căn cứ H10 quyết theo cách mạng. Suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, niềm động viên lớn nhất đối với bà là cơ duyên được chụp ảnh kỷ niệm cùng Bác Hồ. Lời dạy của Người đã giúp bà giữ vững lòng tin, chiến đấu tới ngày nước nhà thống nhất.

Thay tên đổi họ theo cách mạng

Một ngày tháng 5 dịu mát, chúng tôi vượt chặng đường gần 100 cây số trở lại buôn Bu Yúk- mảnh đất heo hút trong thời kháng chiến chống Mỹ từng mang mật danh căn cứ H10, nay thuộc xã Đắk Phơi, huyện Lắk, Đắk Lắk, để tìm gặp cựu giao liên người M’ Nông duy nhất tới nay còn giữ được tấm ảnh đứng bên Bác Hồ. Tuy là xã vùng sâu, nhưng con đường đến nhà bà H’Yiêng được trải nhựa thẳng tắp, hai bên phủ một màu xanh rì của đồng lúa, cà phê. Mảnh đất bom đạn năm xưa đang từng ngày thay da đổi thịt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong buôn Bu Yúk, bà H’Yiêng hiền từ hồi tưởng và kể lại những câu chuyện đầy cảm xúc về thời tham gia cách mạng. Sinh năm 1940, mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, H’Yiêng nương tựa vào gia đình chị ruột. Cho đến một ngày giặc Mỹ đến xâm chiếm, ức hiếp dân làng... Thà chết chứ không chịu nô lệ, năm 18 tuổi H’Yiêng đi theo cách mạng, trở thành cô giao liên dũng cảm. Ban ngày, H’Yiêng tăng gia sản xuất, thăm dò tin tức của địch, tối đến cùng phụ nữ trong buôn băng rừng lội suối gùi đạn dược, lương thực, báo cáo tình hình trong làng cho cán bộ của ta. “Lần đầu đi vất vả lắm, nhưng đi riết rồi quen. Chúng tôi thường gùi hàng vào ban đêm. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa khổ lắm, đường sá trơn trượt phải bám từng gốc cây, hốc đá mà đi. Nhiều đoạn qua suối phải đội gùi hàng trên đầu. Đi không cẩn thận, sơ ý sẩy chân trôi hết hàng là nguy”- bà H’Yiêng kể.

Báu vật của nữ giao liên M’Nông ngày ấy ảnh 1

H’Yiêng sum vầy bên con cháu.

Có hậu phương vững mạnh, bộ đội ta yên tâm củng cố lực lượng mở nhiều cuộc tấn công bất ngờ khiến địch hoang mang lo sợ. Bị phản công quyết liệt, chúng điên cuồng quay sang trấn áp bắt bớ đồng bào trong làng. Chúng ráo riết truy lùng, thẳng tay đánh, giết những ai che giấu, tiếp tế, liên lạc với bộ đội. Để tránh bị phát hiện, H’Yiêng đổi tên họ thành H Yuôm Bkrông rồi tiếp tục nhiệm vụ giao liên. “Chúng dọa chặt đầu, phanh thây những ai theo, che giấu cho bộ đội. Chúng bắt dân mình làm nô lệ khổ hơn trâu bò, nếu không theo cách mạng thì sớm muộn gì cũng chết nhục thôi. Bọn mình phải chiến đấu đến cùng để đánh đuổi chúng ra khỏi buôn làng”- Nhắc lại chuyện xưa, bà H’Yiêng vẫn còn phẫn nộ.

Cuối năm 1963, trong một lần gùi hàng tiếp tế cho bộ đội, nhóm gùi hàng của H’Yiêng bất ngờ lọt vào ổ phục kích. Địch trút mưa đạn. Ba người đi cùng hy sinh, H’Yêng và hai đồng đội nữa thoát chết nhưng bị thương nặng. H’Yiêng nằm lịm giữa rừng, vết thương sau gáy tai, đầu sống mũi và chân liên tục rỉ máu. May mắn, 2 ngày sau H’Yiêng được bộ đội phát hiện, đưa về căn cứ chữa trị. Đầu năm 1964, tổ chức bí mật đưa H’Yiêng ra miền Bắc chữa dứt điểm các vết thương đồng thời tổ chức cho các thương binh như H’Yiêng  học thêm văn hóa. Sau ba tháng trời ròng rã cuốc bộ, H’Yiêng đến được khu căn cứ ở tỉnh Thanh Hóa. “Đoạn trường gian nan cực khổ này, tôi làm sao quên được. Để rút ngắn thời gian, anh em chúng tôi đi liên tục không kể ngày đêm. Chỉ khi nào mệt mới dừng lại uống ngụm nước, ăn chút lương khô chống đói. Vết thương đau nhức, hai chân mỏi lả nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi bền bỉ đi cho tới đích mới thôi”.

Cơ duyên gặp Bác

Lần đầu đặt chân đến miền đất lạ, xa quê nhớ nhà khiến H’Yiêng nhiều đêm không ngủ. Nhờ có các chị em đồng bào ở cùng động viên, khích lệ, H’Yiêng hòa nhập cuộc sống mới.

Hơn một tháng sau, sức khỏe dần hồi phục, H’Yiêng nhận tin vui sẽ được gặp Bác Hồ. Nhớ lại ngày đặc biệt, ánh mắt bà sáng hẳn lên. Bà kể: “Lúc đó tầm 11 giờ đêm một ngày đầu tháng 5/1964, lất phất mưa, chị em chuẩn bị đóng cửa đi ngủ thì có hai cán bộ đến báo tin chuẩn bị đi gặp Bác. May mắn được chọn, tôi chỉ kịp khoác vội chiếc áo choàng rồi lên xe đi ngay trong đêm từ Thanh Hóa về Hà Nội. Đặt chân tới Ba Đình khoảng 8 giờ sáng, lúc này Bác đang bận họp, cả đoàn háo hức đứng ngoài hành lang chờ gặp Người. Dù được nghe kể nhiều về Bác, nhưng lần đầu được gặp, cảm giác xôn xao khó tả thành lời. Bác ăn mặc giản dị, điềm đạm nói chuyện, cởi mở tâm tình nhưng vẫn toát lên vẻ uy phong của lãnh tụ.

Báu vật của nữ giao liên M’Nông ngày ấy ảnh 2

H’Yiêng (phải) cứ đến dịp sinh nhật Bác lại mở tấm ảnh quý và ký ức ngày đó sống lại.

Thấy tôi rụt rè, chỉ dám đứng sau nhìn, Bác liền đến hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình khiến tôi hết sức ngạc nhiên, không ngờ Bác quan tâm sâu sát và đã hiểu rõ về mình như thế. Bác căn dặn mọi người hãy vững tin vào cách mạng, cố gắng học thật giỏi phục vụ đất nước sau này”.

Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đọng lại trong bà biết bao cảm xúc. Đoàn của bà được chụp ảnh chung với Bác. Tấm ảnh là kỷ vật duy nhất bà có được trong lần gặp Bác Hồ. Bà nâng niu cất giữ nó như báu vật. Mỗi năm chỉ đến sinh nhật Bác mới lấy ra xem, nhắc nhở kể chuyện cho con cháu nghe. “Để ngoài mình sợ hỏng mốc, hoặc lỡ ai lấy mất thì sao. Cất kỹ cho nó an toàn!”. Bà cười tươi, giải thích lý do phải gói tấm ảnh qua 4 lớp giấy, bọc kín trong bao ni lông, cho vào tủ khóa.

Khắc ghi lời Bác dạy, H’Yiêng chú tâm học tập. Một năm sau bà xung phong lên tỉnh Hòa Bình tham gia sản xuất phục vụ kháng chiến. Tại đây, bà gặp và nên duyên cùng đồng hương Y Săm Niê (SN 1924) người Êđê quê xã Ea Sol, huyện Ea H’leo. Ông từng hoạt động cách mạng ở căn cứ Đắk Lắk đến 1954 rồi thoát ly ra Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng vinh dự được gặp Bác nhưng không may mắn có tấm ảnh quý như bà H’Yiêng.

Lần lượt có với nhau 3 mặt con, H’Yiêng đều cho con theo họ Bkrông-cái họ đã đổi theo mật danh, như minh chứng cho tấm lòng sắt son với cách mạng. Suốt năm tháng kháng chiến gian khổ, đôi vợ chồng thay nhau đảm nhận nhiệm vụ hậu cần cho đến ngày thống nhất đất nước.

 Việc nước đã xong, bà đưa gia đình quay về cố hương cho thỏa nỗi nhớ quê nhà. “Ở ngoài đó cũng ổn, nhưng nỗi nhớ buôn làng khiến mình tìm về. Đó là nơi sinh ra, nuôi lớn mình, mình không bỏ làng đâu”. Già làng Y Tók Bkrông cho hay: “Nhà H’Yiêng tuy nghèo nhưng cái bụng rất tốt. Có gì ngon ngọt bà đều sẻ chia cho mọi người.  Bà có khiếu kể chuyện nên người dân trong làng, nhất là tụi nhỏ yêu quý lắm”.

Thương đôi vợ chồng già sống trong ngôi nhà cũ mục, năm 2010 Ban phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk xây tặng vợ chồng bà một căn nhà tình nghĩa. Tiếc thay, vui sống trong ngôi nhà mới chưa được bao lâu thì ông Y Săm Niê ngã bệnh về với A Tâu (cõi chết). Bà H’Yiêng ở lại, giáo dục con cháu bằng những ký ức cách mạng thời thanh xuân đầy tự hào của mình. Những câu chuyện của bà không bao giờ thiếu vắng lần ấy, thời khắc quý giá nhất trong đời được gặp Bác và cùng chụp ảnh với Người.

Ông Y Tuyên BKrông, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong xã chỉ có mình bà H’Yiêng Đắk Chắt là người may mắn được gặp Bác Hồ. Bà chính là nhân chứng sinh động về những năm tháng kháng chiến giành độc lập, tự do của đồng bào Tây Nguyên. Tấm lòng sắt son, một lòng vì cách mạng của bà trở thành bài học quý giá cho thế hệ sau học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.