Hồi ức của người kề cận phục vụ Bác Hồ

Ông Tuấn, bà Tệch (thứ 3,5 từ trái sang) chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Tuấn, bà Tệch (thứ 3,5 từ trái sang) chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
TP - Tham gia tổ chức Nhi đồng cứu quốc hội, sau được chọn làm người phục vụ Bác Hồ, cuộc đời cụ Tuấn may mắn có những năm tháng kề cận bên Bác. Nay nhớ lại, cụ vẫn bồi hồi xúc động: Phục vụ Bác là phục vụ cả Tổ quốc lúc bấy giờ. Vinh dự ấy, tôi không thể nào quên...

Chúng tôi về thăm cụ Nông Quốc Tuấn ở thôn 8 xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông nhân ngày đông đủ con cháu, dâu rể tề tựu tổ chức lễ mừng thọ cụ tròn 90 tuổi. Vợ cụ - cụ Đàm Thị Tệch thì đã 92. Tuy mắt đã mờ, sức khỏe đã yếu nhưng cả hai cụ đều rất minh mẫn. Sau chén rượu mừng, cả nhà quây quần nghe cụ kể lại những ngày tháng được phục vụ Bác tại Pác Bó - Cao Bằng từ năm 1941 - 1945.

Cụ Tuấn (tên thật là Nông Văn Sỹ ) sinh năm 1925, ở thôn Hòa Mục, xã Nà Sát, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tuổi 15, Nông Văn Sỹ tham gia tổ chức Nhi đồng cứu quốc của huyện Hà Quảng. Thông thạo địa bàn, Sỹ có nhiệm vụ bí mật đưa đón, dẫn đường cho cán bộ cao cấp của ta mỗi khi đi công tác qua đây, đồng thời đưa thư, tổ chức và tập hợp các thiếu niên, nhi đồng khác.

Năm 1941, khi Bác Hồ về nước, đồng chí Lê Quảng Ba (tên thật là Đàm Văn Mông (1914 - 1988, tướng lĩnh người Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân khu Việt Bắc) đứng ra bảo lãnh và giới thiệu anh Sỹ vào hang Pác Bó làm liên lạc, lo chuyện cơm nước, giặt giũ cho Bác. “Hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo dân tộc Nùng đã sờn màu, chân đi dép cao su, ánh mắt hiền từ, thân thiện đáp lại lời chào của mọi người. Bác thư thái, giản dị và gần gũi đến lạ thường”. Để bảo đảm bí mật, Bác đổi tên anh Nông Văn Sỹ thành Nông Quốc Tuấn.

Lúc ở hang Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng), ngày nào Bác cũng dậy từ rất sớm tập thể dục rồi ra suối Lê Nin tắm. Bác về đến lán cũng là lúc anh Tuấn chuẩn bị xong bữa sáng. Bác ăn một lưng cơm rồi ngồi vào bàn đá làm việc. Lúc ấy, anh Tuấn lo cảnh giới, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, ra suối lấy nước. Khi rảnh rỗi, Bác dạy anh học, nhờ đó anh mới biết tính toán, đọc thông viết thạo. Mỗi tuần một lần, anh đi nhận thực phẩm tiếp tế ở khu vực biên giới. Lần nào cũng có một gói muối, một gói ớt, rau củ, thi thoảng mới có thêm ít thịt. Các món ăn, Bác dặn Tuấn nấu thật cay và mặn, ăn vào vừa giữ ấm cho cơ thể vừa để được lâu. Bữa ăn dù cháo bẹ, măng luộc, rau rừng nhiều hơn cơm nhưng hai Bác cháu vẫn ăn rất ngon miệng.

Hồi ức của người kề cận phục vụ Bác Hồ ảnh 1

Ông Tuấn (thứ 4, từ phải sang) chụp hình cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Cụ Tuấn nhớ như in, tháng 10/1944, một máy bay khu trục Mỹ bị phát xít Nhật bắn rơi trên bầu trời thị xã Cao Bằng. Viên Trung úy phi công nhảy dù xuống cánh đồng Bản Ngần, được du kích của ta che chở trước sự lùng sục gắt gao của lính Nhật. Theo chỉ thị của trên, ta đưa phi công qua Lũng Cứng (Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc). Trong thời gian đợi ta trao trả cho đại diện Phái bộ Đồng minh, người phi công luôn tỏ ra lo lắng, bất an, không nói một lời nào. Nghe mọi người báo cáo tình hình, Bác quàng khăn, đội mũ lá lặn lội từ Pác Bó sang Lũng Cứng, cận vệ Tuấn cũng được Bác cho đi cùng. Thật kỳ lạ, viên phi công đã nói chuyện suốt 4 giờ đồng hồ bằng tiếng Anh với Bác một cách cởi mở, say sưa trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi hai Bác cháu về lại Pác Bó thì gà đã gáy sáng.

Kỷ niệm cụ nhớ nhất về Bác, đó là những ngày chuyển về Lũng Cát (Hà Quảng).  Mùa đông trời rất lạnh, đêm nào cũng có sương muối, nằm trong hang đá rét căm căm. Trong lúc ăn cơm chiều đột nhiên Bác bảo: “Từ hôm nay Bác cháu ta ngủ chung cho ấm nhé”. Cận vệ Tuấn thích chí gật đầu ngay. Đêm ấy, được nằm gần Bác, ấm quá, cận vệ ngủ rất ngon lành mà không biết cái tật co chân, quắp gối của mình khiến Bác cả đêm mất ngủ. Hôm sau Bác vui vẻ kể mỗi lần bị Tuấn gác chân lên người, Bác chỉ nhẹ nhàng kéo xuống. Sợ mình làm phiền Bác, Tuấn xin ngủ riêng nhưng Bác bảo trời lạnh cứ nằm chung cho ấm. Tuấn nghĩ ra sáng kiến khóa cứng mình lại bằng một cái vỏ chăn như “tò vò nằm kén”, rồi mới dịch sát vào cạnh Bác. Bác khen “Cháu thông minh lắm”!

Ông Bùi Đình Tăng, Phó chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết: Trong xã hiện chỉ còn lại hai lão thành cách mạng là ông Tuấn và bà Tệch, đôi vợ chồng lão thành cách mạng duy nhất của xã từ trước đến nay. Sức khỏe ông cụ đã giảm nhiều nhưng những chuyện về Bác, cụ nhớ như in. 

Khi theo Bác từ Pắc Bó về Tân Trào, cận vệ Tuấn được giao quản khẩu súng cạc bin. Một đêm, trong ca gác của 2 chàng lính trẻ Quốc Tuấn và Cao Khải, bất ngờ Anh Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) từ cơ sở bí mật đến. Không nhận ra, Cao Khải lập tức giương súng, quát to: Ai? Giơ tay lên! Anh Văn bình tĩnh trả lời rất thân thiện: Tớ, Văn đây mà! Hai anh em vội xin lỗi. Anh Văn chỉ cười: Các cậu cảnh giác, phản ứng nhanh nhẹn thế là rất tốt.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Tuấn được cử lên Thái Nguyên làm trung đội trưởng dân quân, bảo vệ các cơ quan trọng yếu của tỉnh. Lúc chia tay, Bác lấy ra một mẩu sâm, dặn dò: Cháu hãy phát huy những tố chất và tính tốt như khi ở bên Bác. Bác chẳng có món quà gì tặng cháu cả, chỉ có thứ này thôi. Mỗi lần mỏi mệt cháu hãy lấy một chút ra nhâm nhi, dùng nhiều không tốt đâu. Mãi về sau ông mới biết miếng sâm đó của đồng bào biếu Bác. Bác không dùng, tặng lại cho ông.

Hồi ức của người kề cận phục vụ Bác Hồ ảnh 2 Cán bộ xã Nam Dong tặng quà mừng thọ vợ chồng cụ Tuấn.
Cuối năm 1946, ông Tuấn được điều về Hà Nội làm liên lạc cho đồng chí Lê Quảng Ba (khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô). Việc đầu tiên khi đặt chân đến Hà Nội là ông tìm gặp Bác. Năm 1952, ông Tuấn về quê làm bí thư chi bộ Hợp tác xã nông nghiệp. Do giỏi viết lách, tính toán, thời gian sau ông đảm nhận luôn vai trò kế toán của Hợp tác xã rồi xây dựng gia đình. Khi con trai đầu lòng của ông là Nông Văn Chung (SN 1961) vừa biết bò, Bác Hồ bất ngờ đến thăm. Bận rộn, Bác chỉ kịp bế Chung vào lòng, hỏi thăm gia cảnh của ông một lát rồi đi ngay. Ông ngờ đâu đó là lần cuối cùng mình được gặp lại Người. Ngày nghe tin Bác mất, ông bỏ ăn bỏ uống, khóc ròng rã cả tuần liền.

Năm 1990, ông đưa cả nhà vào Tây Nguyên lập nghiệp. Đến nay, khi đã sống gần trọn cuộc đời, cụ vẫn luôn nhớ về những ngày tháng được ở gần Bác. Cụ sống giản dị và tiết kiệm như khi còn ở chiến khu. Người dân quanh vùng kính trọng cụ, vừa vì cụ là vị lão thành cách mạng hiếm hoi may mắn được phục vụ Bác, sống thanh bạch gương mẫu, vừa vì ông cũng là một thầy thuốc đông y có tiếng.

Vừa phải nằm viện 2 tuần và cắt đi một phần túi mật, nhưng kể lại chuyện xưa, cụ Tuấn như khỏe lại, ánh mắt tinh anh, lanh lợi và hào hứng. Thành kính thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác, cụ rưng rưng: Sau ngày Bác mất, tôi vào lăng viếng Người 2 lần, lần nào cũng xúc động và thiêng liêng lắm. Nhớ những lúc ở Pác Bó, tết năm nào đồng bào cũng mời Bác xuống bản ăn tết cùng. Bác thường dặn chúng tôi: Bây giờ chúng ta chịu khổ nhưng sau này đồng bào ta chắc chắn sẽ được sung sướng. Đất nước hòa bình, nhìn bữa cơm gia đình thịnh soạn trong dịp tết đến xuân về, tôi không sao quên được bữa cơm tết đạm bạc của hai Bác cháu trên chiến khu Việt Bắc.

Điều lắng đọng sau những năm tháng sống và phục vụ Bác là những đức tính cao đẹp mà cụ học được từ Người. Cụ vẫn dành khoảng thời gian còn lại ít ỏi của mình để truyền dạy cho con cháu, cán bộ địa phương, và thanh thiếu nhi địa phương những bài học quý giá ấy.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.