Bầu Kiên: 'Tôi và ông Long chả ai lừa được ai'

Bầu Kiên cho rằng, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế
Bầu Kiên cho rằng, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế
TP - Tại phiên xử hôm qua, bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên, được tòa cho trình bày về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Kiên, cho rằng, giữa mình với các ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần tập đoàn Hòa Phát), Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Cty Hòa Phát) đủ trình độ để... không ai lừa được ai.

Tiếp đến, bị cáo Kiên dặn dò ông Long bình tĩnh nghe mình trình bày nội dung kháng án trước tòa: “Có vấn đề gì các anh thấy quá căng thẳng với ngôn từ của tôi thì mong anh hiểu đó là ngôn ngữ pháp luật”.

Trước đó, ở phiên sơ thẩm, bị cáo Kiên bị quy kết với tư cách Chủ tịch HĐQT Cty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Cty ACBI) ký hợp đồng thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần Cty Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4/2012, thông qua hai lãnh đạo Cty Hòa Phát (ông Long, ông Dương), bị cáo Kiên biết được Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn tại các Cty thành viên, trong đó có Cty Hòa Phát mà Cty ACBI đang sở hữu hơn 29 triệu cổ phần. Theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Cty Hòa Phát, ông Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Cty Hòa Phát với số tiền 264 tỷ đồng.

Ông Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Cty ACBI) soạn thảo công văn để Trần Ngọc Thanh ký, gửi ACB và Cty TNHH chứng khoán ACB (viết tắt ACBS) để xem xét cho giải tỏa 20 triệu cổ phần nói trên đang thế chấp tại ACB, cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do ACBI phát hành và bổ sung bằng 7,4 triệu (làm tròn) cổ phiếu Eximbank, tương đương 74 tỷ đồng.

Nhận được công văn trên, phía đại diện Cty ACBS đã trả lời bà Yến qua thư điện tử: Tài sản đảm bảo còn thiếu, đề nghị Cty ACBI có phương án, kế hoạch bổ sung tài sản đảm bảo để có hướng xử lý. Ngay lúc đó, vị kế toán trưởng đã báo cáo Nguyễn Đức Kiên, nhưng không được hướng dẫn phương án tháo gỡ. Chính vì vậy, ngày 12/9/2012, lãnh đạo ACB và các thành viên Ủy ban tín dụng đã họp bàn, thống nhất không đồng ý giải chấp theo đề nghị của Cty ACBI.

Mặc dù chưa được giải chấp số cổ phiếu trên, bầu Kiên vẫn chỉ đạo ông Thanh, bà Yến lập khống biên bản họp HĐQT, quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương ACBI bán 20 triệu cổ phần Cty Hòa Phát cung cấp cho Cty TNHH MTV thép Hòa Phát, làm cho Cty này tin tưởng Cty ACBI đang quản lý và sở hữu 20 triệu cổ phần trên, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp. Vì thủ đoạn này, ngày 21/5/2012, ông Kiều Chí Công (Giám đốc Cty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát) đã ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần, đồng thời chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI. Và ông Kiên bị quy kết chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

Quan hệ kinh tế hay tội hình sự?

Nói về nội dung trên, theo lời khai của Nguyễn Đức Kiên tại tòa, quá trình tạm giam, chưa có quyết định khởi tố, bầu Kiên đã mong muốn gặp gỡ đại diện phía Cty Hòa Phát để làm rõ các mối quan hệ kinh tế. “Với tôi, đây là mối quan hệ kinh tế, không cần thiết phải hình sự hóa” - Nguyễn Đức Kiên nói về các giao dịch của Cty ACBI với Cty Hòa Phát.
“Cá nhân tôi cho rằng, ACBI là doanh nghiệp bị hại. Chính Cty Hòa Phát đã chiếm đoạt tài sản của ACBI. Cty Hòa Phát không bị thiệt hại, do vậy không có chuyện khắc phục thiệt hại ở giao dịch này. Tôi cho rằng, tôi và Hòa Phát cùng bị tai nạn trong vụ án này” - ông Kiên nhấn mạnh. Vừa dứt lời câu nói trên, ông Kiên không quên hướng về ông Long, ông Dương lên tiếng: “Mong hai anh hiểu đây là... ngôn từ pháp luật”.

Khi đang hăng say phân tích về những giao dịch cổ phiếu giữa các bên liên quan, bầu Kiên bị một thành viên HĐXX cắt lời: “Đề nghị bị cáo tập trung vào nội dung kháng cáo ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không sa đà vào trình bày nội dung ở phần tranh luận”. 

“Bị cáo có thấy, việc dùng tài sản đang thế chấp để bán như vậy có đúng không?” - vị chủ tọa đặt câu hỏi. “Dạ không, bởi không có tài sản nào đang thế chấp ở đây, thưa HĐXX” - ông Kiên đáp. “Vậy tài sản đang bị phong tỏa đúng không” - một thành viên HĐXX truy vấn. “Thưa không, đây là tài sản đang được giao quản lý” - bị cáo Kiên đối đáp.

Để làm rõ hành vi lừa đảo, HĐXX cho gọi bị án Nguyễn Thị Hải Yến để làm rõ. Tuy nhiên, khá nhiều lần thẩm phán đặt câu hỏi khó hiểu, buộc bà Yến phải đề nghị giải thích trước khi trả lời. Tại tòa, ông Trần Tuấn Dương thừa nhận đang ghi nhận cổ đông mới từ thương vụ với Cty ACBI thì nhận được thông báo từ Cty này cho hay số cổ phần đó “đang có vấn đề”.

Ở một nội dung khác, ông Long cũng cho rằng “lúc nãy anh Kiên nói đúng, đây là đồng kinh tế, dân sự thông thường” và trong một điều khoản của hợp đồng có nhắc đến phương án giải quyết tranh chấp, được hai bên thống nhất chọn Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội là cơ quan tài phán.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc. 

Khi bị tòa hỏi về chủ sở hữu và quản lý số tài sản (hơn 20 triệu cổ phần), bị cáo Kiên không trả lời, rồi nói: “Câu hỏi của ông thẩm phán sai về thuật ngữ tài chính nên tôi không thể trả lời”. Một thành viên HĐXX lập tức nhắc nhở: “Việc câu hỏi đúng hay sai bị cáo không có quyền kết luận. Bị cáo chỉ có thể trả lời hoặc không trả lời”.

MỚI - NÓNG