Dám đóng vai “phản diện”... vì không sợ ai
Cảm giác đầu tiên khi gặp bầu Đệ đấy là sự dân dã, chân chất và cách nói chuyện bộc trực của một anh nông dân… không ai có thể nghĩ rằng đây là nhân vật có tiếng nói rất lớn trong giới kinh doanh ở tỉnh Thanh Hóa.
Mặc dù mới bước chân vào bóng đá từ năm 2011, nhưng ngay lập tức ông bầu này đã gây nổi sóng giới bóng đá Việt Nam khi từng dám đấu tay đôi với VPF tại buổi lễ tổng kết mùa giải 2012. Đến mùa giải 2013, ông cũng liên tiếp đưa ra những phát ngôn, chỉ trích nhằm vào giới lãnh đạo bóng đá theo kiểu “chẳng sợ trời, chẳng sợ đất”. Nói cách khác, với nhiều người thì bầu Đệ giống như một nhân vật đóng các vai “phản diện”.
Hỏi ông: “Sao gan thế, dám đấu với cả những ông bầu có máu mặt”. Ông chỉ cười xua tay: “Bạn có biết tớ kinh doanh nghề gì không? Tớ mở trường học, bệnh viện… những lĩnh vực phục vụ nhân dân, chẳng có đụng chạm, cạnh tranh với ai cả. Nên khi nói gì, làm gì không cần phải nhìn mặt coi người ta gật hay lắc. Mục đích đấu tranh của tớ cũng là vì cái chung chứ vì âm mưu bè phái gì đâu mà phải sợ”.
Tuy nhiên, cái người ta quan tâm là liệu những phát biểu gây sốc của bầu Đệ có giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn lên, tốt đẹp được hơn. Có lẽ câu trả lời phải chờ hậu xét, nhưng nếu như đến xứ Thanh, có lẽ không ai nghi ngờ những gì ông Đệ nói là sự thật.
Ở Thanh Hóa, ông thực sự là một người có tiếng nói cực kỳ quan trọng trong giới kinh doanh của tỉnh hơn 4 triệu dân này. Các doanh nghiệp của từng ngành, nghề muốn liên hiệp với nhau bàn thảo việc gì đó, “Cứ phải có anh Đệ làm chủ tịch danh dự mới xong”.
Các chương trình phi lợi nhuận, công ích thì ông Đệ cũng phải là người đi đầu…Người ta bảo ông Đệ giống như một người “thập cẩm” ôm đủ thứ việc trên tay.
Ông đang sở hữu 1 bệnh viện lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa mang tên Hợp Lực, và cũng mở Trường Cao đẳng để đào tạo nghề y. Nhưng lạ ở chỗ, ông Đệ lại chẳng có xuất thân gì từ ngành y cả.
Ông có nhiều năm làm công an, rồi đến đầu 90 xuất ngũ đi nam vào bắc bán buôn đủ thứ, từ buôn gạo đến chạy xe khách rồi mở HTX xe khách đầu tiên ở Thanh Hóa. Có lẽ, cũng chính đủ thứ công việc mà ông đã trải qua nên ở xứ Thanh… đi đâu, làm gì… cũng có bầu Đệ.
Giây phút thăng hoa của bầu Đệ trong trận thắng ĐKVĐ Hà Nội T&T 3-1. Ảnh: Minh Hoàng.
Chàng nông dân... làm bóng đá
Khi nói chuyện về bóng đá, ông Đệ tự nhận mình giống như một chàng nông dân … làm bóng đá. Ông bảo: “Nông dân xem bóng đá thì không cần biết chuyên môn như thế nào, họ thích đá đẹp, đá hay… thắng lợi một cách công bằng là họ khoái rồi. Nên tôi ghét mấy trò mafia, tiêu cực trong bóng đá… Ở Thanh Hóa, cầu thủ giỏi cỡ mấy mà làm trò là tôi cho đi hết”.
Thực tế, CLB Thanh Hóa kể từ khi có bầu Đệ là đội bóng xảy ra nhiều chuyện kỷ luật nội bộ nhất. Ngay cỡ như HLV “cáo” như Lê Thụy Hải cũng phải “lên đường” chỉ vì 1 trận đấu có “mùi” thì cũng dễ hiểu cho những trường hợp như của những ngôi sao như Việt Thắng, Quốc Vượng trước đây và mới nhất là Bật Hiếu, Mai Tiến Thành hay ngay cả Lê Văn Thắng, Đình Tùng… nếu muốn đi ông cũng chẳng cần mặn mà để giữ lại dù cho họ nhiều lúc trở thành biểu tượng của bóng đá xứ Thanh.
Tính cách ấy khiến ông Đệ luôn rạch ròi và không hề khoan nhượng cho bất cứ trường hợp nào, đến nỗi nhiều người phải thốt lên: “Ông này kibo quá, tính từng đồng với cầu thủ”. Nhưng bầu Đệ cứ cười và bảo: “Làm việc với tôi là như thế, chuyện gì phải ra chuyện đó, người nông dân cả năm làm được mấy tạ thóc phải bán đi để mua vé vào xem các anh đá bóng… mà các anh đá như thế thì ai thương cho người nông dân đây”.
Đúng là kể từ khi bầu Đệ điều hành đội bóng xứ Thanh, thì đây là CLB duy nhất ở V.League thời điểm này chẳng phụ thuộc vào một ông bầu hay doanh nghiệp nào cả, mà đội bóng trở thành của chung. Hàng chục doanh nghiệp góp vốn cổ phần, tài trợ cho đội bóng nhưng cũng chẳng được đặt tên, chỉ họ. Đội bóng ấy nói đúng ra là của chung. Cũng chính vì thế, mà Thanh Hóa từ năm 2011 đến nay đã thoát cảnh “nhà nghèo” và thậm chí còn mơ đến ngôi vô địch V.League.
Ông Đệ và sở thích “chơi súng”
Đa phần ông bầu bóng đá ở V.League đều là những doanh nhân tiếng tăm. Thế nên họ cũng thường sở hữu rất nhiều tài sản khủng. Bầu Trường, bầu Thụy đều sưu tập những chiếc Phantom trị giá hàng chục tỷ đồng. Bầu Đức, hay bầu Long, bầu Tuấn của Hòa Phát Hà Nội đều mua máy bay cho tiện đi lại.
Còn bầu Đệ chẳng có gì, ngoài món đồ khiến cả đám đồng nghiệp phải tái xanh mặt: khẩu súng ngắn và giấy phép sử dụng do công an cấp.
Năm 2011, ông Đệ từng bắn súng chỉ thiên để dẹp loạn trước cổng bệnh viện Hợp Lực.
Ông Đệ kể lại: “Khi đó, nếu không bắn thì bọn côn đồ sẽ tiếp tục đâm chém nhau rất hung hãn. Bảo vệ vào can còn bị bọn chúng hành hung nên tôi phải nổ súng để trấn áp côn đồ, bảo vệ tính mạng người dân. Tôi được công an tỉnh cấp cho quyền sử dụng súng”.
Những phát biểu gây sốc
“Bóng đá là bóng đá chứ bóng đá không phải mafia. Nếu các ông bầu cứ chơi trò mafia thì tốt nhất nên dẹp VPF trả lại cho VFF. Bóng đá Việt Nam chưa thể thoát khỏi nhà nước”.
“Nhà có 3 anh em, có người nghèo, người giàu… anh giàu không thể bắt anh nghèo chơi theo cách chơi của anh giàu được… để rồi anh thao túng cuộc chơi”.
Theo Lai Ngọc