Bầu cử tổng thống Mỹ có nhiều điều lạ

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: VOV.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: VOV.
TPO - Đó là ý kiến của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, khi trao đổi với phóng viên ngày 22/8 bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 về việc các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông nghĩ gì về việc các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ phản đối TPP?

Bầu cử Mỹ năm nay có nhiều điều lạ. Các ứng cử viên đưa ra các chương trình hành động hướng nội và bảo thủ nhiều hơn. Giữa chính trị bầu cử và lợi ích quốc gia, sau này dù ai là tổng thống cũng phải cân nhắc, sẽ phải căn cứ vào chiến lược đối ngoại, chiến lược an ninh, kinh tế của Mỹ. Nếu nhìn lại lịch sử Mỹ, bất cứ vấn đề nào liên quan đến thương mại tự do nào đều phức tạp và được thông qua với số phiếu rất sít sao. Về TPP, nước Mỹ có lợi ích trong khu vực thương mại tự do TPP, vừa có tính kinh tế - thương mại vừa có tính chiến lược. Song trước những lo ngại của người dân và cử tri, TPP đang là một vấn đề của tranh cử, xu hướng bảo hộ mậu dịch, hướng nội đang làm cho TPP bị nhiều ý kiến phản đối. Khi chiến dịch bầu cử lắng lại, người ta sẽ tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có TPP. Nhưng chắc chắn đây sẽ là quá trình phức tạp và khó khăn. 

Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí, Việt Nam có dự định

Không phải đến hiện nay mới có hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Từ 2011 đã có bản ghi nhớ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa 2 nước trên 5 lĩnh vực: tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc (LHQ), ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn hàng hải, quân y… Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam và hai bên ký kết thông qua tầm nhìn hợp tác an ninh - quốc phòng. Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ vì lợi ích của cả Việt Nam và khu vực, phù hợp lĩnh vực và lợi ích của Việt Nam và mục đích là tự vệ. Tôi cho rằng, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hoà bình của LHQ, khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam, trong đó có rà phá bom mìn, tẩy độc, giúp đỡ người bị ảnh hưởng của chất độc da cam; hợp tác và xây dựng năng lực an ninh hàng hải cũng sẽ được tiếp tục, trong đó có đào tạo chuyên môn. Còn dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, Việt Nam còn đang tính nhu cầu của mình ra sao và phía Mỹ khả năng cung cấp đến đâu và có phù hợp chiến lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hay không. Chính sách của Mỹ dù là đảng nào cũng sẽ gắn bó lợi ích với châu Á - Thái Bình Dương vì Mỹ có lợi ích ở đây. Hoạt động của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục nhằm thúc đẩy hợp tác với khu vực để đảm bảo hoà bình, ổn định ở khu vực. Môi trường hoà bình phải dựa trên nỗ lực của tất cả các bên dựa trên luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN và các diễn đàn của ASEAN.

Về biển Đông, Mỹ nói rất rõ, đặc biệt trong Tuyên bố ở Sunnylands tháng 2/2016 rằng, Mỹ cùng ASEAN ủng hộ bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn và tự hàng hải ở biển Đông, các bên phải kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS (Công ước LHQ về Luật Biển), thực hiện các cam kết khu vực, trong đó có DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông) và tiến tới (Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Các bên cần tranh thủ những nỗ lực ngoại giao trên cơ sở phán quyết quốc tế để giải quyết hoà bình các tranh chấp. Tôi cho rằng, những thoả thuận đó cũng sẽ là những điểm chung của khu vực trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG