Bầu cử quốc hội, Ukraine sẽ càng nghiêng về châu Âu

TP - Người dân Ukraine hôm qua đi bỏ phiếu để chọn ra một quốc hội mới được cho là sẽ càng ủng hộ phương Tây và củng cố sứ mệnh của Tổng thống Petro Poroshenko nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông, nhưng đồng thời cũng có thể khiến căng thẳng với Nga gia tăng.

Bắt đầu sáng qua tại Kiev, đây là cuộc bỏ phiếu quốc hội đầu tiên kể từ khi những cuộc biểu tình trên đường phố hồi mùa đông năm ngoái khiến Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga mất quyền lực, mở đường cho một lớp lãnh đạo mới thân châu Âu. Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên nói rằng, Mátxcơva đã giúp ông Yanukovych chạy khỏi Ukraine. 

Một nhóm chính trị lỏng lẻo ủng hộ Tổng thống Poroshenko được dự đoán trở thành lực lượng lãnh đạo trong Quốc hội 450 ghế, nghĩa là ông Poroshenko sẽ rộng đường triển khai kế hoạch hòa bình cho miền đông và cải cách sâu rộng để phù hợp với mong muốn của các đối tác Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Poroshenko nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình hôm 25/10 rằng, ông muốn thấy số đông ủng hộ chương trình nghị sự thân châu Âu và chia tay với quá khứ Liên Xô.

“Nếu không có một số đông như vậy trong quốc hội, chương trình của Tổng thống sẽ chỉ ở trên giấy”, Reuters dẫn lời ông Poroshenko. 

Với ảnh hưởng ngày càng giảm từ Nga và một chương trình nghị sự hội nhập mạnh mẽ với châu Âu, Ukraine sẽ có một trong những quốc hội triệt để nhất từ khi Ukraine giành độc lập năm 1991.

Sự trỗi dậy của lực lượng cam kết mạnh mẽ với một Ukraine thống nhất được nhìn nhận là sẽ gây thêm căng thẳng mới trong quan hệ với Nga, khi lãnh đạo Kiev lâu nay vẫn đổ lỗi cho Mátxcơva hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền đông trong cuộc xung đột mà đến nay đã khiến hơn 3.700 người thiệt mạng và nền kinh tế bị phá hoại. GDP của Ukraine được dự đoán giảm 7-10% trong năm nay. 

Mâu thuẫn về giá khí đốt với nguy cơ đe dọa nguồn cung cho các nước châu Âu thông qua Ukraine đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cho dù cuộc gặp giữa ông Poroshenko và Tổng thống Putin được đánh giá là lạc quan.

Theo các nhà phân tích, ông Poroshenko kêu gọi bầu cử sớm với mục đích thanh toán hết những người còn trung thành với ông Yanukovych và bảo đảm tính hợp pháp cho đường lối thân phương Tây mà Kiev đang theo đuổi. 

Sau khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cảnh báo nguy cơ “tấn công khủng bố”, hơn 60.000 cảnh sát đã được triển khai để canh gác tại các điểm bỏ phiếu và trụ sở đảng phái trên khắp đất nước. Có tới 29 đảng chạy đua trong cuộc bầu cử lần này, nhưng chỉ một vài trong số đó được cho là có thể đạt mốc tối thiểu 5% để có ghế trong quốc hội. 

Khoảng 2.000 quan sát viên quốc tế, trong đó có nhóm khoảng 800 đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, có mặt để giám sát các quy trình bỏ phiếu. Các quan sát viên quốc tế bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước ảnh hưởng của tình trạng bạo lực ở miền đông đối với cuộc bỏ phiếu.

Khoảng 3 triệu người ở Donetsk, Luhansk và Donbass cùng 1,8 triệu dân Crimea không tham gia bỏ phiếu. Phe ly khai ở Donetsk và Luhansk tuyên bố sẽ tổ chức một đợt bầu cử riêng vào ngày 2/11, nhưng ông Poroshenko và phương Tây tuyên bố cuộc bỏ phiếu đó không hợp pháp. 

Cho dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy liên minh của ông Poroshenko, gồm đảng Đoàn kết và đảng Udar của cựu vô địch quyền anh Vitaly Klitschko vượt lên, nhưng ông Poroshenko cũng sẽ khó giành được đa số tuyệt đối, các nhà quan sát nhận định.

Tuy vậy, ông Poroshenko sẽ không gặp khó khăn khi thành lập liên minh với các đảng khác, như đảng Mặt trận nhân dân của ông Yatseniuk, vì gần như tất cả các đảng dẫn đầu đều ủng hộ châu Âu và muốn thống nhất Ukraine.

MỚI - NÓNG