Nhà ăn “xã hội hóa” tối thiểu 20 năm!
Có thể thấy bản hợp đồng “Liên kết đầu tư, cải tạo và khai thác khu dịch vụ phục vụ Bệnh nhân & CBCNV” của Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn là hợp đồng có nhiều “vấn đề” nhất. Và có lẽ vì tính chất “đặc biệt” của bản hợp đồng này nên ngay cả khi làm việc với đoàn giám sát của HĐND thành phố, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn đã “quên” không đưa nội dung này vào báo cáo gửi đoàn giám sát!
Bản hợp đồng được ký ngày 31/10/2005 giữa Bệnh viện Thanh Nhàn với Công ty CP Kiến trúc Mỹ thuật Hà Nội với nội dung “XHH bộ phận tinh chế dinh dưỡng Bệnh viện Thanh Nhàn”. Công việc gồm: Cải tạo nhà kho cũ thành nhà ăn tạm; Cải tạo khu nhà ăn diện tích đất 497m2, mua sắm trang thiết bị đảm bảo cung cấp hơn 1.000 suất ăn/1 ngày đêm; Xây mới khu dịch vụ, nhà ăn chất lượng cao liền kề khu vực nhà ăn trên diện tích đất là 581,49m2. Phần đóng góp của bệnh viện với đối tác chỉ được tính bằng hơn 204 triệu đồng là giá trị khu nhà ăn đã “bị hư hỏng nặng, xuống cấp”. Toàn bộ giá trị về thương hiệu, về đất đai, về lợi thế...của bệnh viện trong cung cấp dịch vụ đã không được đề cập.
Tại Hợp đồng số 510 ký ngày 1/6/2010 cũng với Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ thiết bị y tế Đ – Y 33, Bệnh viện Thanh Nhàn thuê hệ thống máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp X quang và các trang thiết bị đi kèm có thời hạn lên tới 10 năm và doanh nghiệp được hưởng 85% tổng thu mỗi ca
Bản hợp đồng còn xác định bệnh viện phải chịu trách nhiệm đảm bảo cho hoạt động của đối tác là độc quyền trong cung cấp các dịch vụ ăn uống, hàng hóa trong khuôn viên bệnh viện. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, bên đối tác có quyền tiếp tục đầu tư xây dựng khu siêu thị và nhà trọ cho người nhà bệnh nhân.
Phía đối tác là Công ty CP Kiến trúc Mỹ thuật Hà Nội còn có quyền sắp xếp nhân sự của Trung tâm dịch vụ dinh dưỡng được lập ra thuộc Bệnh viện Thanh Nhàn, đã bổ nhiệm nhân sự của mình làm Giám đốc Trung tâm này.
Đáng chú ý, điều bất hợp lý nhất là việc xác định thời hạn tối thiểu của hợp đồng lên tới 20 năm và chỉ chấm dứt trong trường hợp động đất, làm cho một trong hai bên mất khả năng hoạt động! Về quyền lợi ăn chia, hợp đồng không ghi rõ tỷ lệ ăn chia bao nhiêu nhưng theo một thành viên đoàn giám sát của HĐND thành phố thì toàn bộ lợi nhuận thuộc về đối tác sau khi đã trừ đi chi phí!
Đối tác được hưởng 85% tiền thu được ?
Thực trạng XHH tại Bệnh viện Thanh Nhàn còn phải kể tới 3 bản hợp đồng khác dưới dạng thuê máy, thiết bị. Hợp đồng số 303 được ký ngày 1/1/2010 giữa bệnh viện với Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ thiết bị y tế Đ - Y 33 thời hạn 5 năm.
Theo hợp đồng, công ty cho bệnh viện thuê 5 máy gồm máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp X quang, máy siêu âm màu, máy siêu âm đen trắng. Đi kèm với cho thuê máy, bên công ty cung cấp luôn các thiết bị đi kèm như điều hòa, đèn đọc phim, bàn ghế...đều do bên công ty cung cấp và lắp đặt.
Bên đối tác của bệnh viện cũng “ôm” luôn cả việc bảo quản máy, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế khi máy hỏng. Tỷ lệ ăn chia lợi nhuận theo bản hợp đồng này mà bên đối tác của bệnh viện được hưởng lên tới 85% tổng thu mỗi ca.
Sau 5 năm thực hiện, bên cho thuê máy sẽ hưởng 80% tổng kinh phí thu mỗi ca. Tại hợp đồng số 510 ký ngày 1/6/2010, thuê máy chụp cộng hưởng từ, X quang khác giữa bệnh viện với đối tác, bên đối tác cũng được hưởng tới 85% tổng kinh phí thu được mỗi ca và thời hạn hợp đồng kéo dài 10 năm...
Trong khi đó, việc thẩm định giá trị của các loại máy nêu trên làm cơ sở để liên kết, theo chính Bệnh viện Thanh Nhàn xác nhận là việc rất khó khăn! Giải thích về thực trạng này, tại buổi giám sát của HĐND thành phố, ông Đào Quang Minh, Giám đốc bệnh viện cho hay bản thân ông cũng thấy tỷ lệ ăn chia của nhiều hợp đồng thuê máy là bất hợp lý nhưng cũng khó xử lý vì đây là hợp đồng ký trước khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc. Thậm chí nhiều hợp đồng bản thân ông muốn thanh lý trước hạn nhưng lại bị đối tác đòi bồi thường cao hoặc không đồng tình.
Chứng kiến thực trạng này, không ít thành viên Đoàn giám sát của HĐND thành phố phải khẳng định đây là tỷ lệ ăn chia bất thường và việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng quá dài là không phù hợp với chu kỳ kinh doanh, thực tế thu hồi vốn và yêu cầu đổi mới trang thiết bị...
(Còn nữa)