Bất ngờ việc doanh nghiệp ngoại dùng công nghệ lạc hậu, trung bình ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế là đòi hỏi bức thiết. Thế nhưng, ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp vào Việt Nam vẫn chủ yếu dùng công nghệ trung bình, lạc hậu.

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (27/4), ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie) - cho rằng, dù Việt Nam đã cam kết nhiều về tăng trưởng xanh, nhưng từ chính sách đến thực tiễn còn khoảng cách lớn. Cam kết phải đi cùng lộ trình thực hiện cụ thể.

Bất ngờ việc doanh nghiệp ngoại dùng công nghệ lạc hậu, trung bình ở Việt Nam ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Vafie (ảnh: VGP).

Phó Chủ tịch Vafie cho biết, trước năm 2021, theo báo cáo về các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, 5% số này sử dụng công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 80% là công nghệ trung bình. Đây là con số đáng báo động, lũy tiến từ thời thu hút FDI bằng mọi giá, chưa quan tâm nhiều đến môi trường mà chỉ cần vốn, giải quyết lao động, xuất khẩu… “Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có số liệu cụ thể, nhưng tôi tin rằng trong 3-4 năm gần đây, chỉ số đó thay đổi rất nhiều. Bây giờ, chúng ta có cái nhìn khác về thu hút FDI, nhất là sau Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị”, ông Toàn cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, dù số lượng FDI cao, nhưng các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ vào Việt Nam chưa nhiều. Nguyên nhân là khả năng hấp thụ công nghệ cao, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa ổn.

“Hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI rất lỏng lẻo, chưa hiệu quả, gây bất lợi cho Việt Nam. Song song với việc thu hút FDI chất lượng cao, Việt Nam phải nâng tầm doanh nghiệp trong nước để hợp tác được với FDI với những hình thức khác nhau, trong đó có liên doanh. Trước đây, liên doanh rất nhiều, nhưng bây giờ rất ít, chứng tỏ khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam với FDI không cân bằng", ông Toàn đặt vấn đề

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cũng đồng tình với việc phải xây dựng lộ trình triển khai tăng trưởng xanh.

“Nói về tăng trưởng xanh, chúng ta hãy nhìn vào cuộc đua xanh đang diễn ra thầm lặng, nhưng rất khốc liệt của các nước trên thế giới. Một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài 2-3 thập kỷ ở châu Á và châu Âu. Khu vực châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt, Trung Quốc sau khi trả giá đắt vì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, nay là nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh và nhiều nguồn khác”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bất ngờ việc doanh nghiệp ngoại dùng công nghệ lạc hậu, trung bình ở Việt Nam ảnh 2

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhận định, tăng trưởng xanh là mục tiêu rất khó nhưng không thể thay đổi, bởi nó là xu hướng vận động và hiệu quả toàn diện của phát triển. Ông Tuấn cho rằng, đến bây giờ, tư duy của doanh nghiệp về việc đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng xanh vẫn chưa trở thành nhận thức tự thân. Đây là điều cần thay đổi.

Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu những chính sách để ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Tuấn cho rằng, việc đưa cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mới, khai thác những lợi thế cạnh tranh mới thay vì thuế, cũng là một trong những giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư xanh hoá.

"Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, ví dụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh", ông Tuấn chia sẻ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) năm 2022, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.