Bất ngờ khan hiếm sách giáo khoa: Hàng nghìn tỷ đang bị lãng phí

Học sinh không thể dùng SGK cũ vì trong SGK có cả phần bài tập học sinh có thể giải luôn trong sách. Ảnh : Như Ý.
Học sinh không thể dùng SGK cũ vì trong SGK có cả phần bài tập học sinh có thể giải luôn trong sách. Ảnh : Như Ý.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh) cho rằng, quy trách nhiệm cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đối với việc một số cuốn SGK cũ không thể tái sử dụng do có phần bài tập học sinh có thể giải trực tiếp là hoàn toàn chính xác. Sắp tới, “tôi đề nghị, nếu bộ sách nào, cuốn sách nào có hiện tượng này thì kiên quyết không thẩm định”, bà Hoa nói.

Mỗi năm chúng ta đang mất rất nhiều tiền để mua SGK mới và bỏ SGK cũ. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Theo số liệu của NXBGDVN, từ năm 2012 đến nay, số SGK được phát hành hàng năm khoảng trên dưới 100 triệu bản, tương đương hàng nghìn tỷ đồng; và phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, cuối năm học hầu như biến thành sách cũ, giấy vụn. Trong khi trước đây, một bộ SGK thường được dùng cho nhiều thế hệ. Ngoài ra, còn có một số sách bổ trợ kèm theo SGK hầu như không được học sinh sử dụng đến. Đây là một sự lãng phí không hề nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội. Kinh tế chúng ta còn khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, việc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm là điều phải suy nghĩ.

Vấn đề là cần trả lời được câu hỏi: Tại sao chúng ta lại để tình trạng lãng phí như vậy? Tôi nghĩ, xuất phát từ nhiều lý do: Một phần là tâm lý của phụ huynh, muốn mua sách mới để thể hiện sự quan tâm, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con; Một phần do tuân thủ theo kế hoạch cung ứng sách thông qua nhà trường, thầy cô giáo; Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, SGK được cấp mới hàng năm… Và như vậy, dù có nhiều bức xúc, nhưng sự lãng phí trong lĩnh vực SGK vẫn đang diễn ra, rất đáng lo ngại.

Theo tìm hiểu, hiện nay học sinh không thể học được SGK cũ vì trong SGK có cả phần bài tập học sinh có thể giải được luôn trong sách. Dư luận cho rằng, đây là một “tiểu xảo” để “ép” người học phải mua SGK mới ? Ý kiến của bà về vấn đề này?

Nói đây là tiểu xảo để “ép” người học phải mua SGK mới thì hơi quá. Vì việc mua SGK mới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đã đề cập ở trên. Việc in mới SGK, sản xuất mới các đồ dùng dạy học hàng năm suy cho cùng cũng là để phục vụ thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Cơn sốt SGK các lớp đầu cấp những ngày qua là một ví dụ. Việc thiếu sách mới trên thị trường dường như lại đang được quy trách nhiệm cho NXBGDVN. Điều đáng nói là các bậc phụ huynh tìm mọi cách để mua sách mới cho con, trong khi vẫn có thể mua lại hoặc xin SGK đã qua sử dụng từ những năm trước.

Tuy nhiên, quy trách nhiệm cho NXBGDVN đối với việc một số cuốn SGK cũ không thể tái sử dụng do có phần bài tập học sinh có thể giải trực tiếp là hoàn toàn chính xác. Bởi nếu phần bài tập được giải thì cuốn sách không thể được sử dụng tiếp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ của SGK Việt Nam rất ngắn. Do vậy, bộ SGK theo chương trình mới sắp tới cần lưu ý khắc phục điều này. Và đây là trách nhiệm của Hội đồng thẩm định SGK. Tôi đề nghị, nếu bộ sách nào, cuốn sách nào có hiện tượng này thì kiên quyết không thẩm định. Đối với các cơ sở giáo dục, nhất là giáo viên và phụ huynh học sinh, cũng phải từ chối sử dụng những cuốn SGK ấy.

Nhưng cũng phải nói thêm, việc có làm bài tập trực tiếp trong SGK hay không còn tuỳ thuộc vào yêu cầu của giáo viên và ý thức giữ gìn SGK của học sinh. Đây đó hàng năm vẫn có hoạt động quyên góp SGK cũ để gửi tặng học sinh vùng khó khăn, hoặc nộp về thư viện trường để tạo điều kiện cho các bạn không có điều kiện mua sách mới có thể mượn dùng. Hoặc có những địa phương như tỉnh Đăk Lăk, từ năm học 2016 - 2017 đã ngừng việc cấp SGK mới cho học sinh dân tộc thiểu số để tránh dàn trải, gây lãng phí. Thay vào đó là hình thức hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua chương trình “Sách cũ cho bạn”, kêu gọi tài trợ, tặng học bổng... đảm bảo không có học sinh nào vì thiếu sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập mà bỏ học. Như vậy, nếu có sự hướng dẫn của giáo viên, tạo được ý thức giữ gìn sách cho học sinh, tạo được thói quen dùng SGK đã qua sử dụng thì chắc chắn không NXB nào có thể “ép” mua sách mới được.

Có “luật ngầm” phát hành sách tham khảo

Bất ngờ khan hiếm sách giáo khoa: Hàng nghìn tỷ đang bị lãng phí ảnh 1

Các NXB khác cũng có chức năng viết sách tham khảo, nhưng họ cho biết có “luật ngầm” để tạo rào cản khiến sách của họ không đến được với học sinh. Phía Ủy ban có nhận được thông tin này không? Và ý kiến của bà về vấn đề này?

Tôi cho rằng, ở đây cần có sự phân biệt giữa SGK và sách tham khảo. Về SGK, đúng là NXBGDVN đang có lợi thế độc quyền; việc xuất bản, in ấn, phát hành hầu như đang ở thế khép kín, được phát hành trực tiếp thông qua ngành GD hoặc qua hệ thống cơ sở phát hành sách. Nhưng sách tham khảo thì hoàn toàn khác, cơ bản đang được vận hành theo cơ chế thị trường, nghĩa là có cung và cầu, có chọn lọc và đào thải. Hiện đang có hàng chục NXB tham gia vào hoạt động xuất bản và phát hành sách tham khảo: NXB Giáo dục, NXB Thanh Niên, NXB ĐH Quốc gia TPHCM, NXB ĐHQG Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM. Và nếu như quyền lựa chọn thuộc về phụ huynh và học sinh thì những cuốn sách tham khảo hay, giá trị sẽ ngày càng có nhiều người tìm đọc.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho thấy, vấn đề “luật ngầm” can thiệp vào thị trường sách tham khảo như dư luận phản ánh là có thật; có điều, những loại ấn phẩm này có thể đến từ các NXB khác, không phải hoàn toàn của NXBGDVN. Đó là tình trạng dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt việc đăng ký mua sách tham khảo, sách bổ trợ và các ấn phẩm giáo dục khác thông qua nhà trường; thậm chí có nơi còn gắn nhiệm vụ “lập kế hoạch phát hành sách” cho giáo viên; rồi cả chuyện chiết khấu % hoa hồng theo giá bìa sách… Dù lý lẽ rằng với phương thức phát hành theo hệ thống này sẽ hạn chế được nạn sách lậu, sách giả, sách kém chất lượng; nhưng rõ ràng đã tạo sức ép cho giáo viên, phụ huynh, học sinh; đồng thời tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản; do vậy, rất đáng phê phán, không thể chấp nhận được.

Xin cảm ơn bà!

“Ðây là một sự lãng phí không hề nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội. Kinh tế chúng ta còn khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, việc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm là điều phải suy nghĩ”.

Ủy ban VHGDTNTN&NÐ của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói về việc lãng phí trong việc mỗi năm NXBGDVN phát hành cả trăm triệu bản SGK mới

MỚI - NÓNG