> Trung Quốc đang làm gì trên biển?
> Sự hấp dẫn của Biển Đông
PGS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội) - chuyên gia hơn 30 năm nghiên cứu về Trung Quốc, các vấn đề biển Đông - nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong.
Theo ông, Trung Quốc chưa bao giờ là một đế chế biển?
Xét trên tất cả các yếu tố điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử điều này là một thực tế không thể chối cãi. Xuất phát điểm về mặt cội nguồn lãnh thổ, Trung Quốc hình thành như một quốc gia lục địa, trên hai lưu vực sông lớn là Hoàng Hà và Trường Giang.
Vùng hạ lưu sông Hoàng Hà tồn tại một sơn hệ với nhiều triền núi cao. Chính sơn hệ này tạo thế hắt ngược lục địa chứ không phải thông ra biển. Đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất TCN, vùng cư dân lưu vực sông Trường Giang bắt đầu ra đời, nhưng cùng trên hạt nhân ban đầu của sơn hệ.
Chỉ cư dân vùng hạ lưu sông Dương Tử có xu hướng mở rộng ra phía biển. Tuy nhiên, họ chủ yếu lại là người Bách Việt, không phải cư dân Hán tộc gốc của phương Bắc.
Khi phát triển thành các đế chế suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đều dựa trên nền kinh tế căn bản là kinh tế nông nghiệp, với lĩnh vực trồng trọt là chính.
Những thứ thuộc về biển vừa là sản vật quý hiếm, vừa được quan niệm cực kỳ đơn giản như muối và các loại hải sản. Muối là vấn đề mang tầm quốc gia.
Ngay đến thời cận đại Trung Quốc vẫn coi muối là 1 nghề độc quyền, buôn muối phải có giấy môn bài.
Đời Hán có cuốn sách Diêm thiết luận (Bàn về muối và sắt) được xem như một danh tác do tính chất, vai trò của hai loại vật chất này. Nhìn thế, để thấy biển vừa quan thiết vừa xa lạ với truyền thống Trung Quốc.
Các tài liệu Việt Nam vừa phát hiện công bố (cả sử liệu Trung Quốc và Việt Nam), chứng minh lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài đến Hải Nam, và trong các sách sử Trung Quốc vẫn dùng từ “hải ngoại” ý chỉ biển là thứ bên ngoài lãnh thổ nước này.
Ngay cả khi, các đế chế Tần, Hán, Đường... vươn ra đô hộ các vùng đất ven biển, vai trò kinh tế biển cũng không được chú trọng. Như đế chế Hán khi đem quân đi xâm chiếm các vùng phía Nam, trong đó có Giao Chỉ mới biết đến sản vật biển, lợi ích biển.
Nhưng các mối lưu tâm của triều đình về biển vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu. Họ phó mặc việc khai thác, săn tìm sản vật biển cho các nước bị xâm chiếm.
Trong thập đại đế vương Trung Quốc, chỉ có Chu Nguyên Chương là người hiếm hoi thuộc phương Nam (gần với biển), còn lại đều có gốc nội địa, thậm chí, nhà Nguyên (1271-1368) và nhà Thanh (1644-1911) đều có gốc du mục.
Đông Hải (biển Đông) với các triều đại Trung Quốc cổ, có chăng chỉ đóng vai trò như bức bình phong an ninh phòng chống cướp biển.
Hải quân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc ngày nay, nhiều người vẫn rêu rao về những “con đường tơ lụa” trên biển trong lịch sử của mình gắn với hình ảnh nhà hàng hải Trịnh Hòa và tự coi đây như những chứng cứ khẳng định chủ quyền của họ trên biển Đông?
Tư duy cường quốc lục địa, trong một số giai đoạn lịch sử nhất định có sự thay đổi. Như thời kỳ nhà Đường (618- 907), nhà Tống (960-1279), nhà Minh (1368 - 1644) đã xuất hiện “con đường tơ lụa trên biển”, có những phát minh kỹ thuật hàng hải.
Đặc biệt, giai đoạn đầu nhà Minh, thời Minh Thành Tổ xuất hiện thủy sư đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433) đã hành trình viễn dương vạn lý.
Tuy nhiên, những cuộc khảo sát này chỉ để tìm hiểu về các quốc gia hải ngoại này chứ không nhằm động cơ chiếm hữu vùng biển, quần đảo nào nên không thể coi là cơ sở pháp lý cho bằng chứng chủ quyền.
Tôi đọc các thư tịch Trung Quốc, thấy chưa bao giờ họ xác định những vùng đi qua ấy thuộc về Trung Quốc cả.
Ngay sau thời kỳ Trịnh Hòa, không người Trung Quốc nào thuộc các thời đại tiếp theo khuyếch trương sự nghiệp của ông, đưa Trung Quốc hướng ra đại dương, mở rộng giao thương, trở thành một quốc gia hàng hải.
Đặc biệt, từ thế kỷ 15 này, do những bất ổn nội bộ, chính quyền Trung Quốc còn ra hẳn luật hải cấm nhằm ngăn chặn mọi ảnh hưởng, tác động từ biển vào đất liền, bế quan tỏa cảng...
Trái ngược với những cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa, các phát hiện của Christopher Coloumbus đã mở đầu cho hành trình chinh phục biển của các nước phương Tây.
Khi Trung Quốc quay lưng với biển, các quốc gia phương Tây nhận thức và chú trọng phát triển kinh tế biển. Nhiều nước thành cường quốc biển như Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga... và cường quốc đương đại là Mỹ.
Như thế, không những chưa bao giờ được xếp vào một quốc gia biển đúng nghĩa, lịch sử còn chứng minh Trung Quốc có rất nhiều nhận thức sai lệch về biển.
Vì thế, Trung Quốc đang ồ ạt xâm lấn biển Đông để khắc phục sự muộn mằn lịch sử này, bất chấp cả luật pháp quốc tế?
Vài chục năm qua, Trung Quốc có cải cách, thay đổi diện mạo và chú trọng xây dựng nền kinh tế tăng trưởng cao. Trong đà vươn lên này, Trung Quốc trở thành một đại công xưởng thế giới, vươn ra giao thương với toàn cầu.
Hơn lúc nào hết, họ nhận ra cần phải có nhiều con đường để thông thương với thế giới và một trong những con đường chính là đường biển. Với đại bộ phận lãnh thổ nằm sâu trong lục địa, phía ngoài lại bị án ngữ bởi các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines... khi mà trật tự chủ quyền lãnh hải của các nước đã được xác lập trong lịch sử, Trung Quốc chỉ còn cách đặt tham vọng độc chiếm biển Đông mới dễ dàng cho sự thông thương này.
Không chỉ muốn chiếm hữu chủ quyền biển Đông, Trung Quốc còn muốn mở toang các lối giao thương ra biển để thành cường quốc biển và tiến tới siêu cường thế giới.
Quán tính kiêu ngạo đế chế, cùng tham vọng biển chi phối Trung Quốc hơn bất kỳ cơ sở pháp lý nào nên họ đang sẵn sàng làm tất cả miễn sao đạt được tham vọng của mình. Đây chính là “mạch” nhận thức, giúp lý giải được vì sao Trung Quốc lại liên tục có hành động bất chấp pháp lý quốc tế đến the.
Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy cho chính Trung Quốc, theo ông?
Rõ ràng tham vọng của Trung Quốc thành cường quốc từ biển đã lỗi thời khi mà các quốc gia phương Tây thực hiện nó từ 4-5 thế kỷ trước. Thời thuộc địa cũng đã qua lâu.
Một cường quốc lúc này không chỉ có nội lực mà phải thể hiện được đạo đức quốc gia, trách nhiệm khu vực, xây dựng hình ảnh đẹp của mình trước thế giới chứ không phải bằng các biện pháp trấn áp, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc khác. Nếu có thành một cường quốc, người ta chỉ có thể sợ nhưng không nể Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông.
Mũi tên hai đích Theo TSKH Lương Văn Kế, Trưởng Khoa Quốc tế học (ĐH KHXH&NV Hà Nội): Bản chất mưu đồ độc chiếm của Trung Quốc nhằm 2 mục đích cốt lõi: ngăn chặn tự do đi lại của tàu thuyền, chiến hạm nước ngoài, nhất là các đối thủ để đẩy mối đe dọa an ninh từ biển ra xa bờ biển Trung Quốc; mở lối đi ra đại dương xanh cho hải quân Trung Quốc nhằm nối dài tầm vươn của pháo hạm khắp khu vực. Không chỉ kiểm soát tuyến hàng hải, đường thủy, đánh bắt biển Đông, Trung Quốc còn đẩy tham vọng kiểm soát không vận, đường bay quốc tế ngang qua khu vực này. |
Nguyễn Huy