Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng

Cây cà phê cùng khối đất chực chờ đổ xuống sông
Cây cà phê cùng khối đất chực chờ đổ xuống sông
TPO - Trong vòng 4 năm, hơn 80 ha đất trồng hoa màu dọc sông Krông Nô của người dân Đắk Nông bị sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất. Đáng nói, tình trạng sạt lở vẫn chưa dừng lại, dù chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

Tại bờ sông Krông Nô (thuộc địa phận xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông), PV ghi nhận nhiều điểm sạt lở, lòng sông ăn sâu vào đất liền. Bà Nguyễn Thị Thu (thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên) - người dân có đất sát sông cảnh báo, không nên đứng gần bờ vì nước đã ăn sâu vào lòng đất, rất dễ sạt lở bất cứ lúc nào. Bà vừa dứt lời, một cây cà phê bất ngờ đổ ập xuống sông, kéo theo khối đất lớn.

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 1

Cây cà phê nằm dưới lòng sông Krông Nô

Theo bà Thu, sạt lở bờ sông diễn ra hàng chục năm nay và không có dấu hiệu dừng lại, 2 sào đất trồng cà phê của gia đình bà giờ chỉ còn vài trăm mét. Nguyên nhân khiến bà mất đất, do thủy điện xả nước làm thay đổi dòng chảy. “Khi chưa có thủy điện, bờ sông vẫn bị sạt lở nhưng ít. Năm 2009, thủy điện tích nước khiến tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn. Tôi đã nhiều lần ý kiến chính quyền nhưng bờ sông cứ bị lở ra ngày càng nhiều”, bà Thu nói.

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 2

Bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Đức Xuyên bị sạt lở mạnh

Tương tự, ông Nguyễn Thành Sơn (thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên ) cũng bị mất 8 sào đất do sạt lở bờ sông Krông Nô. Theo ông Sơn, ngay khi thủy điện hoạt động, đã thấy bờ sông bị sạt lở. Công ty thủy điện có đền bù thiệt hại nhưng không đáng kể. Tới nay, ông mới nhận được 60 triệu đồng tiền đền bù 2 sào đất bị lấp năm 2016-2017. Số tiền này quá thấp so với giá đất thực tế (đất trồng cà phê có giá hơn 100 triệu đồng/sào), lại trả nhỏ giọt nên ông Sơn không mua được đất khác.

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 3

Lòng sông khoét sâu vào phần đất trồng hoa màu của người dân xã Đức Xuyên

“Theo quy định, những hộ dân bị mất nhiều đất (từ 1 sào trở lên) sẽ được nhận thêm 20 triệu đồng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, tôi không được nhận khoản tiền này vì công ty cứ chia nhỏ đền bù ra thành nhiều đợt. Ngoài ra, tôi còn 4 sào đất bị mất vào năm 2009-2013 và năm 2018-2019 song chưa được đền bù”, ông Sơn nói.

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 4

Bờ sông Krông Nô bị sạt lở suốt nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại

Đại diện UBND xã Đức Xuyên cho hay, người dân rất bức xúc việc công ty thủy điện chậm chi trả và chia nhỏ đợt đền bù, hỗ trợ thiệt hại. Đặc biệt, nhiều hộ dân có đất bị mất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được đền bù do, sạt lở xảy ra nhanh, không xác định được tài sản và diện tích đất bị mất để làm căn cứ bồi thường. UBND xã Đức Xuyên đã kiến nghị UBND huyện Krông Nô yêu cầu Cty thủy điện Buôn Tua Srah sớm thỏa thuận đền bù thiệt hại cho những hộ dân mất đất từ năm 2009; đánh giá tác động môi trường vùng hạ du thủy điện Buôn Tua Srah cho người dân yên tâm sản xuất; xây dựng kè bờ sông nhằm giảm thiểu sạt lở…

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 5
Nông dân thấp thỏm hái cà phê bên dòng sông bị sạt lở

Theo thông tin từ UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông), trước năm 2010, bờ sông Krông Nô vẫn có sạt lở nhưng quy mô nhỏ, chưa ghi nhận cụ thể. Từ năm 2010-2019, trên địa bàn huyện ghi nhận 17 điểm sạt lở đất ở bờ sông với chiều dài khoảng 10 km, tại các xã Quảng Phú, Đức Xuyên, Đắk Mang, Nâm N’Đir, Đắk Rồ, Buôn Choah. Số liệu khảo sát sơ bộ từ năm 2009-2013, trên địa bàn huyện có hơn 80 ha đất của người dân dọc sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng; từ 2013 đến nay, hai bên bờ sông vẫn ghi nhận sạt lở. 

Các cơ quan chuyên môn nhận định, sạt lở bờ sông Krông Nô chủ yếu do hoạt động xả nước của thuỷ điện Buôn Tua Srah; tác động của hoạt động khai thác cát tràn lan; quy luật của dòng chảy tự nhiên; kết cấu địa chất dọc sông chủ yếu là đất pha cát… Dù huyện này đã triển khai nhiều biện pháp như yêu cầu Cty thủy điện Buôn Tua Srah điều tiết việc xả nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, đầu tư kè chắn tại những vị trí trọng điểm nhưng sạt lở vẫn diễn ra.

Bất lực nhìn sông Krông Nô 'ngoạm' đất trồng trọt nghiêm trọng ảnh 6

Một người dân phản ánh đất bị mất vì sạt lở

Sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin (Đắk Lắk), có độ cao trên 2.000m, chiều dài 189km, chảy qua địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trên dòng sông, có 3 nhà máy thủy điện lớn gồm Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông.

MỚI - NÓNG