Bắt khẩn cấp bốn người đứng đầu mạng lưới MB24

Bắt khẩn cấp bốn người đứng đầu mạng lưới MB24
TPO - Sáng nay, Phòng CSHS Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 4 thành viên chủ chốt của mạng lưới Muaban24 để điều tra về hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980), trưởng Phòng kỹ thuật, là người quản trị mạng muaban24.vn
Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980), trưởng Phòng kỹ thuật, là người quản trị mạng muaban24.vn.

Những người bị bắt gồm: Ngô Văn Huy (SN 1973), Tổng giám đốc; Lê Văn Cường (SN 1975), Phó giám đốc phụ trách đào tạo kinh doanh; Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980), Trưởng phòng kỹ thuật, quản trị trang web muaban24.vn. Riêng Chủ tịch HĐQT Cty mua bán 24 Nguyễn Tuấn Minh (SN 1973, tạm trú tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã bỏ trốn khỏi nơi cứ trú.

Kết quả điều tra bước đầu, cảnh sát xác định, thủ đoạn của các đối tượng là rao bán và lôi kéo người dân trở thành hội viên, đóng tiền mua gian hàng điện tử trên trang web muaban24.vn (Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến 24) với giá 5,2 triệu đồng.

Đi kèm với việc được hưởng ưu đãi trong mua hàng, những người đã trở thành hội viên sẽ được hưởng hoa hồng với số tiền 1,5 triệu đồng nếu lôi kéo thêm được 1 người khác tham gia đóng tiền mua gian hàng để thành hội viên.

Theo quy luật phát triển “nhánh cây”, thì những người đầu tiên tham gia hệ thống sẽ được hưởng lợi % hoa hồng tỷ lệ thuận theo sự phát triển của các hội viên cấp dưới.

Ngô Văn Huy (Sn 1973, Tổng GĐ Cty muaban24
Ngô Văn Huy (Sn 1973) Tổng GĐ Cty muaban24.

Bước đầu, CQĐT xác định Cty mua bán 24 đã bán hơn 118.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn cho nhiều người ở hơn 30 tỉnh thành. Song thực tế kiểm tra cho thấy, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng được bán có hàng để bán. Còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người khác tham gia đóng tiền để hưởng % hoa hồng.

Mặt khác, CQĐT xác định, Cty mua bán 24 không được cấp phép kinh doanh gian hàng điện tử; thực chất là kinh doanh đa cấp. Theo phép tính đơn giản, lấy 5,2 triệu đồng nhân với số gian hàng đã được bán thì Cty mua bán 24 đã thu về hơn 600 tỷ đồng; trừ khoản chi phí hoa hồng cho các hội viên, Cty này còn nắm giữ hơn 200 tỷ đồng của những người tham gia đóng tiền. Vậy 200 tỷ đồng trên đã được sử dụng vào mục đích gì, hiện CQĐT đang làm rõ.

Lê Văn Cường (SN 1973, Phó GĐ phụ trách đào tạo kinh doanh)
Lê Văn Cường (SN 1975) Phó GĐ phụ trách đào tạo kinh doanh.

Tối ngày 1-8, Phòng CSHS Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà riêng của cả 4 đối tượng trên. Qua đó, CQĐT đã thu giữ nhiều máy tính, usb và tài liệu liên quan đến hoạt động pháp của Cty này.

Cũng trong ngày 1-8, Công an tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa đồng loạt triệu tập, bắt giữ nhiều người là lãnh đạo chi nhánh Cty mua bán 24. Trong đó, Công an Phú Thọ bắt Trương Đình Tuấn (SN 1975, giáo viên), Giám đốc chi nhánh; Đặng Trung Dũng (SN 1976, giáo viên) và Nguyễn Ngọc Lan (SN 1965), đều là Phó giám đốc chi nhánh Cty mua bán 24 Phú Thọ để điều tra về hành vi trốn thuế của Cty này.

LD

Điều 226b Bộ luật hình sự: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.