Bất khả kháng

Bất khả kháng
TP - “Khi anh đã được Thành phố giao cho việc quản lý cây xanh mà anh không làm tròn thì ít nhiều cũng phải chịu trách nhiệm, không thể đổ vấy là bất khả kháng” - đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo nói như vậy về trường hợp cây đổ đè chết tài xế taxi trong đêm 4/6 ở Hà Nội. 

Phía Cty công viên cây xanh cho rằng, Cty ít người, nhiều việc, lắm cây, và cây đổ trong mưa bão là tai nạn đáng tiếc, bất khả kháng.

Thực tế, Hà Nội không còn là thành phố của cây xanh, sông và hồ như sách phổ thông dạy những năm trước.?Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Việt Nam nói chung đang thiếu cây xanh trầm trọng. Tiêu chuẩn thế giới: 13m2 cây/người, ở ta chỉ đạt 7m2 cây/người. Tại Đức, Mỹ, Nhật, ra khỏi trung tâm thành phố 1km đã có rừng. Tại Hà Nội, khoảng cách này ít nhất là 60km (từ trung tâm nội đô đi Sóc Sơn, Ba Vì).

Một đất nước “sớm chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” mà thiếu cây xanh, nghe thật buồn. Chẳng lẽ vì quá nhiều cây nên Berlin bất lực hơn Hà Nội trong quản lý?

Sự bất lực lan từ cây xanh sang Cây di sản. Đền Voi Phục (Tây Hồ, Hà Nội) có 9 cây muỗm 700 tuổi là Cây di sản. 3 “cụ” đã chết trước, 6 “cụ” được phát hiện có sâu đục thân nên dân và đền góp tiền mời chuyên gia khoan thân, bắn thuốc vào trong cây. Nhưng rốt cuộc, các “cụ” đều ra đi.

Theo báo Thanh Niên, trong hội nghị tổng kết 3 năm vinh danh Cây di sản Việt Nam, ông Lê Minh Thưởng (xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) chủ của 5 cây thị 700 tuổi, cho biết: Có người trả giá 7 tỉ đồng mua 5 cây thị trên. Cho rằng đây là tài sản quốc gia nên gia đình không bán. Từ khi cây được vinh danh, gia đình ông phải trang trải toàn bộ kinh phí chăm sóc, bảo vệ cây.

Nếu Cây di sản là tài sản quốc gia thì tại sao chính quyền và cơ quan chức năng không hỗ trợ? Như vậy, Cây di sản lại chỉ là một danh hiệu vô thực?

Người thành phố đã khổ vì thiếu cây xanh, đã khóc vì cây rơi trúng đầu do cơ quan nào đó tắc trách. Nhưng nhớ nhất những giọt nước mắt của cụ già ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, khi cây gạo hơn 300 tuổi chết: “Người dân làng Cẩm Bào tiếc thương cây gạo đến đau thắt ruột gan. Một năm qua rồi nhưng tôi vẫn thương nhớ cây gạo không ăn không ngủ được. Đêm nằm tôi mơ cây gạo vẫn còn sống...”.

MỚI - NÓNG