Tại hội thảo "Bất động sản trước những cơ hội mới" tổ chức ngày 4/11, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định thị trường gần đây đang có biểu hiện sốt giá do đã xuất hiện nhiều dự án được bán chênh. Chuyên gia này cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường nhà đất sẽ ấm hơn do nhu cầu tăng dần.
Tuy nhiên, ông dự đoán, mức độ sốt sẽ ở mức vừa phải, chứ không biến động mạnh như giai đoạn 1991-1993 hoặc 2001-2003 (giá tăng khoảng 10 lần tại các khu đô thị lớn). Chuyên gia này cũng cho rằng mức độ sốt giá như hai giai đoạn trên sẽ không quay lại nữa.
"Nguyên nhân biến động mạnh của những giai đoạn trước đây là tác động từ sự chuyển đổi cơ chế. Hơn nữa, những biểu hiện về mặt quan niệm, giá trị khi nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang thị trường cũng đã thay đổi", ông lý giải.
Theo ông Võ, hiện nay muốn tìm kiếm lợi ích trên thị trường bất động sản thì nhà đầu tư phải thay đổi cách thức rất nhiều, đòi hỏi sự khôn ngoan hơn chứ không đơn thuần là tiềm lực tài chính như trước đây. "Nếu như trước đây cứ có tiền bỏ vào bất động sản là chỉ một vài tháng sau có thể kiếm lời, thì nay phải chờ đến 1-2 năm sau mới đem lại lợi nhuận. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng phải tính toán kỹ nên đầu tư vào phân khúc nào", ông nói.
Tại hội thảo, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cũng cho biết, thống kê của đơn vị này cho thấy ở các dự án có thanh khoản, giá trong năm 2014 đã tăng khoảng 14-15%. Đặc biệt, một số dự án tăng khoảng 20% so với cuối 2013.
Từ đầu năm 2014, tổng số lượng căn hộ bán cũng tăng mạnh. Trong đó kể cả phân khúc căn hộ cao cấp (giá trên 30 triệu đồng một m2) cũng giao dịch tới trên 1.000 căn mặc dù 2 năm trước đó hầu như không có giao dịch.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quyết, 70% khách hàng mua nhà là có nhu cầu thực để ở nên các dự án dưới hình thức góp vốn giao dịch rất kém. Bên cạnh yếu tố giá cả, chất lượng, người mua nhà đặc biệt quan tâm đến các yếu tố như giấy chứng nhận đầu tư, yếu tố pháp lý, thương hiệu, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính của chủ đầu tư, tiến độ thi công... chứ không chỉ đổ tiền vào mua như trước đây.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều đồng tình cho rằng gói 30.000 tỷ đồng là một trong những động lực giúp thị trường đi lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức độ giải ngân gói hỗ trợ còn chậm. Tính đến ngày 15/10, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết giải ngân là gần 7.950 tỷ đồng, dư nợ 3.576 tỷ, mới được khoảng 11% gói hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, gói tín dụng hỗ trợ này trên thực tế vẫn giải ngân được quá ít, chính sách cho người mua tiếp cận rất khó khăn. Tuy nhiên, ở thời điểm thị trường bất động sản đang cận kề sự phá sản thì gói hỗ trợ có tác động lớn nhằm kích cầu, hâm nóng thị trường.
"Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không phải cây đũa thần mà nên được nhìn nhận đơn giản là công cụ tài chính được đưa ra đúng lúc để khắc phục, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp. Chương trình này có tính chất kích thích doanh nghiệp quay lại đầu tư vào những dự án giá rẻ để được hưởng ưu đãi. Điều đó vừa giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập trung bình, vừa giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi, thoát sa lầy ở những dự án cao cấp", ông Cường đánh giá.
Nhận định về diễn biến thị trường năm 2015, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ ổn định trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, lãi suất và nhiều cơ chế thuận lợi hơn. ông Quyết cho biết dự kiến có khoảng 7.000 căn hộ mới sẽ được đưa ra thị trường, cộng với số hàng tồn kho lớn nên nguồn cung khá lớn.
"Thị trường thời gian tới thanh khoản sẽ tốt hơn, kể cả phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ đầu tư có thể dễ dàng đẩy giá, mà thị trường cần phát triển theo chiều hướng bền vững hơn", ông Quyết cho hay.
Theo Ngọc Tuyên