Bất chấp Mỹ phản đối, Triều Tiên vẫn ôm mộng chinh phục không gian

Bất chấp Mỹ phản đối, Triều Tiên vẫn ôm mộng chinh phục không gian
TPO - Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc khẳng định Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch sản xuất và phóng thêm nhiều vệ tinh bất chấp sự phản đối và các cáo buộc phi lý của Washington.

Phát biểu trên được ông Kim In Ryong - Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đưa ra trong phiên họp hôm qua, 17/10 của Ủy ban Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về "Hợp tác quốc tế trong việc khai thác vũ trụ một cách hòa bình”.

Cụ thể, ông Kim cho biết kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) của Triều Tiên bao gồm việc phát triển vệ tinh ứng dụng có thể góp phần thúc đẩy kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.

Là một thành viên của một số hiệp định không gian, các hoạt động phát triển không gian của Triều Tiên “đều dựa trên cơ sở pháp lý”, Phó Đại sứ Triều Tiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kim, Mỹ đang tìm cách “phi hợp pháp hóa sự phát triển của Triều Tiên trong lĩnh vực vũ trụ” bằng việc cáo buộc những nỗ lực này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

“Mỹ là nước phóng nhiều vệ tinh nhất. Ấy vậy mà họ tuyên bố việc phóng vệ tinh của Triều Tiên là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, ông Kim nói. “Đây là một cáo buộc hết sức phi lý.”

Phó Đại sứ Triều Tiên trích dẫn các hiệp định về vũ trụ cho biết không gian ngoài Trái đất “là một tài sản chung của nhân loại, và tất cả các nước đều có thể vươn ra vũ trụ mà không có bất kì sự phân biệt nào”.

Ông Kim khẳng định không có điều khoản nào cho rằng việc phóng vệ tinh là đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế. Đồng thời, cũng không có quy định nào cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong việc phóng vệ tinh.

Bất chấp Mỹ phản đối, Triều Tiên vẫn ôm mộng chinh phục không gian ảnh 1

Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong. Ảnh: AFP

Theo AP, Liên Hợp Quốc cùng Mỹ và một số nước khác vốn coi việc Triều Tiên phát triển lĩnh vực không gian là “vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa”. Bởi tên lửa đạn đạo và tên lửa trong các vệ tinh có nhiều điểm tương đồng. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đang công khai phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

Dù vậy, Phó Đại sứ Kim vẫn nhấn mạnh: “Quyền sản xuất và phóng vệ tinh nhân tạo của Triều Tiên sẽ không mất đi chỉ vì Mỹ phủ nhận nó”.

Theo ông Kim, Triều Tiên đã phóng vệ tinh truyền thông đầu tiên có tên Kwangmyongsong-1, vào tháng 8/1998.

Tháng 2/2016, với việc đưa thành công vệ tinh Kwangmyongsong-4 vào quỹ đạo, Triều Tiên bắt đầu "bước vào giai đoạn phát triển vệ tinh ứng dụng”.

Tháng 9/2016, Triều Tiên thử nghiệm thành công một động cơ đẩy mới cho bệ phóng vệ tinh địa tĩnh, “mở ra con đường mới trong việc thăm dò vũ trụ”.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Đại sứ Kim tuyên bố Triều Tiên “sẽ phóng nhiều vệ tinh ứng dụng, sẽ tiếp tục phát triển công nghệ vũ trụ trong hòa bình”, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Theo Theo IB Times
MỚI - NÓNG