Trên đường Nguyễn Trãi, sau khi các cầu vượt tại đây được xây dựng các ô thoáng và bờ lan can 2 bên bị biến thành giá treo biển quảng cáo. Chiều dài và rộng các biển quảng cáo này kéo dài hết lan can cầu vượt và cao hơn cả đầu người. Tình trạng này dẫn đến không gian bên trong cầu vượt luôn tối, bí bách và có cảm giác không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Việc cầu vượt đi bộ vừa đưa vào sử dụng bị biến thành giá đỡ biển quảng cáo cũng xảy ra với các cầu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Giải Phóng, Trần Khát Chân, Võ Chí Công, Liễu Giai, Đào Tấn… Thậm chí, hệ thống đảm bảo giao thông trên cầu trong đó có biển phân làn xe cũng bị đơn vị lắp đặt quảng cáo di chuyển, lắp đặt sai thiết kế.
Tại một số vị trí, cầu vượt còn được xây dựng xôi đỗ, chưa hợp lý. Cụ thể, tại nút giao Giải Phóng - Ngọc Hồi - Pháp Vân, tại đây được quy hoạch cầu đi bộ trong dự án trên để giúp người dân ra vào bến xe khách Nước Ngầm thuận tiện, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho nút Pháp Vân nhưng không hiểu sao tại đây hiện vẫn chưa có cầu vượt đi bộ. Trong khi đó, chỉ cách nút giao này khoảng 3 km, tại nút giao Ngọc Hồi - đường 70 (QL1), giao thông đi lại chưa cao, người đi bộ cũng ít nhưng lại được xây dựng cầu đi bộ.
Tương tự, tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Linh Đường (Hoàng Mai) (vị trí được quy hoạch) nhu cầu người dân qua đường cao, cũng chưa thấy cầu vượt. Trong khi đó, tại khu vực QL21, đường Võ Chí Công, nằm ngoài trung tâm thành phố nhưng cầu đi bộ tại đây đã xây dựng, rất ít người qua lại.
Chưa xong và chưa được nghiệm thu
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nhiều cầu đi bộ trên địa bàn Hà Nội hiện nay có vị trí xây dựng bất cập, thiết kế chưa phù hợp với không gian đô thị.
Theo ông Nghiêm, để hấp dẫn được người dân sử dụng, cầu đi bộ trong nội đô phải được thiết kế, xây dựng theo hình thức thông thoáng, tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng; ngoài ra hai bên lan can, mái che còn phải phù hợp với cảnh quan đô thị xung quanh. Vậy nhưng cầu vượt trên đường Giải Phóng trước Bệnh viện Bạch Mai, trên đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Võ Chí Công, Nguyễn Trãi, lan can bị bịt kín hai bên bởi các tấm vách ngăn cao hơn cả đầu người. Thậm chí một số ô thoáng được để lại bên trên, đến nay cũng bị các biển quảng cáo tấm lớn bịt kín toàn bộ mặt tiền hai bên.
Th.S Nguyễn Đình Hiến, Trường ĐH GTVT cho biết, quản lý các cầu đi bộ hiện nay cơ quan được giao trách nhiệm cũng không làm hết trách nhiệm khi cầu được đầu tư, xây dựng bằng ngân sách như vậy nhưng khi đưa vào sử dụng lại bị biến tướng làm giá đỡ quảng cáo. Sự việc đã xảy ra thời gian dài nhưng đến nay vẫn tồn tại chứng tỏ cơ quan được giao trách nhiệm là Sở GTVT cũng chưa làm hết trách nhiệm.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, tuy dự án có 28 cầu đã hết thời gian thực hiện (2015 - 2020) nhưng qua kiểm tra, Sở GTVT thấy rằng, nhiều cầu trong dự án vẫn chưa được Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội thực hiện xong theo tiến độ, do vậy Sở GTVT và các đơn vị có liên quan vẫn chưa nghiệm thu, làm cơ sở để thanh toán cho nhiều cầu. Với các cầu vượt đi bộ chưa xây, Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện theo danh mục cầu được UBND thành phố chấp thuận. Với các cầu vị trí chưa phù hợp, cầu bị treo biển quảng cáo, Sở GTVT đã giao Thanh tra giao thông kiểm tra, có giải pháp xử lý.