Chiều 14-7 vừa qua, người dân trên đường Hồng Hà (phường 2, Tân Bình, TPHCM) kinh hoàng chứng kiến chiếc taxi 4 chỗ đang chạy bỗng rơi cắm đầu xuống hố nước thải sâu hoắm nằm trên lề đường bộ hành. Hố sâu, rộng hơn 4 m2 nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn lại không có nắp đậy, rào chắn hay tối thiểu là biển cảnh báo nguy hiểm. Rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ.
Trước đó, nhiều vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra do đơn vị thi công tắc trách, không có biện pháp đảm bảo an toàn. Ngày 26-4, thi thể cháu bé Nguyễn Đình Nhật Huy (6 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị bệnh tự kỷ được phát hiện dưới hồ lọc nước trong Công viên Văn hóa Đầm Sen. Hồ đang được thi công, ngổn ngang bê tông, cát, đá nhưng không được rào chắn an toàn.
Theo Đội cứu hộ cứu nạn Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM, tai nạn chết người do nạn nhân lọt cống, hầm, hố đơn vị thi công để lại hầu như năm nào cũng xảy ra. Năm 2010, trên địa bàn phường Tân Thuận Đông (quận 7), 4 đứa trẻ từ 8-12 tuổi tắm mưa và trượt chân rơi xuống mương đào của một công trình và bị chết đuối.
Cách đây chưa lâu, TPHCM đã xảy ra hàng loạt vụ rò rỉ điện gây chết người. Cháu Châu Linh Uyên (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1) bị điện giật chết khi đang ngồi chơi cạnh phòng máy ATM của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Tổng kiểm tra an toàn điện các máy ATM trên địa bàn TPHCM, Công ty Điện lực TPHCM đã phát hiện có đến 118 máy ATM bị rò điện, có thể gây nguy hiểm cho người dân.
Rút kinh nghiệm từ các sự cố rò rỉ điện gây chết người, ngành điện và Công ty chiếu sáng công cộng đã tổ chức kiểm tra, sửa chữa các thiết bị hư hỏng. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực công cộng, các tuyến đường ở nội ô vẫn còn khá nhiều “bẫy điện”.
Trách nhiệm thuộc đơn vị nào sau hàng loạt tai nạn chết người xảy ra đến nay vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, chưa có đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Và, gia đình các nạn nhân chỉ nhận được các đơn vị liên quan “hỗ trợ thiệt hại” thay vì “bồi thường”.