Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em (Ảnh minh họa) |
Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, năm 2021, cả nước phát hiện gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, với gần 2.200 đối tượng gây ra (giảm 1,6% so với năm trước đó). Trong đó, trẻ bị bạo lực bởi chính người thân trong gia đình chiếm tới gần 73% (tăng hơn 5% so với năm liền trước), với một số vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc xã hội (như vụ việc ở TPHCM, Hà Nội…).
Đáng lo ngại, đa phần người xâm hại là người thân, người quen với trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị xâm hại chịu sự tổn thương nặng nề về tinh thần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị mặc cảm và không có sự phát triển bình thường. Trẻ từng gặp xâm hại sẽ gặp cản trở và khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở các môi trường truyền thống, thời gian gần đây cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, trẻ em ở Việt Nam đang bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em không nói với bất kể ai.
Theo Bộ Công an, trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có nguyên nhân xuất phát từ chính gia đình. Việc một số cha mẹ xao nhãng, bỏ mặc con cái chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hoặc tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy.
Bản thân phụ huynh không nhận thức được trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại, e ngại, thậm chí không dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Hậu quả, trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ và phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng.
Các chuyên gia cho rằng có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại, nhưng cách đặc biệt hiệu quả là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, trước hết, muốn dạy con, cha mẹ phải tự tìm hiểu, tham gia các lớp dạy làm cha mẹ. Đừng sợ "vẽ đường cho hươu chạy" mà không quan tâm giáo dục giới tính cho con từ sớm. Bên cạnh đó, từ những trường hợp cụ thể, cha mẹ cần nói cho con biết về các thủ đoạn mà kẻ xấu, kể cả người quen thường dùng để xâm hại trẻ.
Cha mẹ cũng phải là người chuẩn bị cho con kỹ năng tự bảo vệ, thoát hiểm khi gặp những đối tượng có hành vi xâm hại, dành nhiều thời gian tâm sự, trò chuyện với con để tạo sợi dây gắn kết giữa con cái và cha mẹ.
Để đối phó với nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân lại càng trở nên quan trọng.
Bên cạnh đó, gia đình phải luôn bên cạnh giám sát hoạt động của trẻ em khi tham gia không gian mạng sẽ là "bức tường lửa" hiệu quả để bảo vệ an toàn cho trẻ, giúp các em đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng.