Đề xuất bắt buộc lắp camera để giám sát, bảo vệ trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng với nhiều giải pháp, TPHCM đề xuất bắt buộc gắn camera để giám sát, bảo vệ trẻ em. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 18/8 tại TPHCM.

Hội thảo do HĐND TPHCM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp tổ chức,

Thiếu nguồn lực

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, cho hay, hiện tại, các phường, xã, người phụ trách công tác chăm sóc trẻ em phải kiêm nhiệm 2-3 chức danh khác, hoặc bố trí cho có, một thời gian điều đi chỗ khác. “Có những người mới về làm 1 đến 3 năm chưa nắm được tình hình trẻ em ở địa bàn ra sao đã chuyển đi nơi khác. Mới tháng trước mời cán bộ triển khai dự án, tháng sau đã đổi người”, bà Thuận nói. Bà kiến nghị thành phố bố trí đúng người và ổn định ở cơ sở để bảo vệ trẻ em.

Đề xuất bắt buộc lắp camera để giám sát, bảo vệ trẻ em ảnh 1

TPHCM đề xuất bắt buộc gắn camera tại các sơ sở giáo dục để bảo vệ trẻ em. Ảnh: PL

Theo bà Thuận, hiện có tổ chức, mạng lưới chăm sóc trẻ em nhiều nhưng kết nối để chia sẻ công việc, do không có người cầm trịch. Bà Thuận cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho trẻ em nhập cư còn nhiều thiếu sót, nhất là ở những khu vực vùng ven. “Sắp tới nên nghĩ đến những nhóm đối tượng đích, là bộ phận công nhân của thành phố”, bà Thuận đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho hay, thời gian qua, HĐND TPHCM đã gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi và thực hiện nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em ở nhiều địa phương, đơn vị. Qua khảo sát, nhận thấy tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng làm lao động trái luật vẫn còn tồn tại. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn xảy ra và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đến những người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập… còn hạn chế.

Trong khi đó, đội ngũ phụ trách công tác trẻ em cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn thường kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, lại thường xuyên thay đổi, nhất là sau thời gian dịch COVVID-19. Do vậy, công tác nắm bắt, quản lý thông tin, dữ liệu về trẻ em, can thiệp hỗ trợ các trường hợp bị xâm hại, bạo lực cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Gắn camera giám sát tại các cơ sở giáo dục

Với số lượng trẻ em lên tới gần 2 triệu, bà Lệ cho rằng, chăm sóc trẻ em tại TPHCM chưa khi nào là việc dễ dàng. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Bà Lệ cũng cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp cơ sở trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Muốn vậy, đội ngũ làm công tác này ở cơ sở cần được trang bị kỹ năng tốt, có chế độ, chính sách thỏa đáng để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em cũng phải được nâng cao hơn nữa bằng nhiều hình thức. Những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng tin xấu độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ em cần được xử lý nghiêm bằng chế tài hành chính, hình sự.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, trung tâm và cơ sở bảo trợ xã hội để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.

TPHCM cũng cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và chính sách đối với cán bộ, cộng tác viên, nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, nhất là người làm công tác này ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác cho trẻ em, nhằm tạo thêm sân chơi lành mạnh nâng cao thể chất, tinh thần cho trẻ; thêm nguồn lực chăm lo cho những trẻ khiếm khuyết, thiệt thòi. Cùng với đó là tăng cường cơ chế điều phối, kết nối và phối hợp trong hoạt động bảo vệ trẻ em các cấp, ngành, lĩnh vực khác nhau trong việc bảo vệ trẻ em.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho biết, TPHCM có 18 nhân sự chuyên trách, 303 người kiêm nhiệm làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng phần lớn không có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, trong khi luân chuyển liên tục, tài chính đầu tư cho mảng này không được bao nhiêu.

MỚI - NÓNG