Bảo vệ quyền của người dân

Bảo vệ quyền của người dân
TP - Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là làm sao cho các quy định của Hiến pháp thể hiện hơn nữa chức năng cơ bản của mình là giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ quyền của người dân - GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm bộ môn Hiến pháp, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nói.

> Không thể mài quyền lực để tư lợi
> Phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân

Giới hạn quyền lực Nhà nước

Theo giáo sư tiến sĩ, đâu là những điểm mấu chốt cần quan tâm trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này?

Với tư cách là đạo luật tối cao của mỗi quốc gia, Hiến pháp phải có chức năng giới hạn quyền lực nhà nước. Theo từng thời kỳ, vai trò của Hiến pháp luôn có sự thay đổi, nhưng dù thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì Hiến pháp vẫn phải giữ lại chức năng cổ điển vốn có của mình là giới hạn quyền lực nhà nước. Sự sửa đổi Hiến pháp của các quốc gia luôn có xu hướng quay trở lại chức năng cũ đó.

Chức năng cơ bản của Hiến pháp đã không thay đổi thì nội dung cơ bản của nó cũng không thể thay đổi. Các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định các quyền được phép làm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có như vậy mới bảo vệ được quyền của người dân.

Hay nói cách khác, các cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì hiến pháp quy định mà không được vượt ra ngoài những quy định đó.

Vậy theo ông, Hiến pháp Việt Nam lần này cần phải sửa đổi cụ thể những điểm nào?

Theo quan điểm của tôi, mục tiêu chính của việc sửa đổi lần này cũng không thể nằm ngoài việc gạt bỏ đi những quy định còn thể hiện những nhận thức của cơ chế tập trung bao cấp trước đây.

Cụ thể đầu tiên chúng ta phải phân định rõ những vấn đề cần phải làm của Nhà nước. Tức là phải gạt đi những phần việc không cần phải làm của Nhà nước, mà do nhận thức cũ của cơ chế tập trung nhà nước đã phải làm. Chính những việc làm không phải chức năng của nhà nước đã tạo nên sự cản trở cho sự năng động sáng tạo của người dân.

Xã hội cần phân định rõ ràng thành 3 khu vực lớn: Khu vực của chính quyền, khu vực của xã hội dân sự và khu vực của kinh tế. Sự phân định này cũng là biểu hiện của nhà nước pháp quyền.

Về phía Nhà nước cũng phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước theo đúng tiêu chuẩn của nhà nước pháp quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tránh lạm dụng quyền lực của bất kể nhánh quyền lực nào.

Bảo vệ quyền con người

Bảo vệ quyền con người cũng chính là một mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp?

Đúng vậy! Khác với các chủ thể khác trong xã hội, nhà nước do con người thành lập ra được giao một nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ con người, đồng thời lại được giao nhiệm vụ kết tội con người.

Cũng chính điều này lại đặt ra một yêu cầu là nhà nước cũng phải đứng ra bảo vệ con người trước khi người đó bị kết tội vì trước khi bị kết tội họ vẫn là một con người chưa có tội.

Vì lẽ con người là quý giá nhất, nên không thể có lý rằng “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, mà phải là, thà “bỏ lọt còn hơn là bắt nhầm”.

Bản thân trong nhà nước cùng một lúc phải thi hành đồng thời hai nhiệm vụ trái ngược nhau, vừa không bỏ lọt tội phạm để bảo vệ an ninh cho xã hội, đồng thời lại không thể bắt oan người vô tội. Cho nên việc bắt giam, việc xét xử, điều tra phải được tiến hành theo trình tự tố tụng nhất định.

Mục tiêu của trình tự này là bảo vệ bị can, bị cáo mà không phải làm cho những người thay mặt nhà nước tiến hành các thủ tục này một cách dễ dàng hơn, để có nguy cơ làm oan người vô tội.

Cảm ơn Giáo sư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.