Bảo tồn cây dược liệu và tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng cao Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với gần 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm, Nghệ An có nguồn dược liệu phong phú vào bậc nhất cả nước. Từ nhiều chính sách hỗ trợ, cây dược liệu được bảo tồn, tạo sinh kế, tìm được chỗ đứng trong cơ cấu cây xóa đói giảm nghèo tại huyện miền núi ở Nghệ An.

Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án.

Tại “cổng trời” Mường Lống, nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phối hợp với Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đã triển khai vùng sản xuất dược liệu trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm, tại đây đã tiến hành trồng và khảo nghiệm 12 loại dược liệu khác nhau và cho kết quả khả quan. Trong đó có các giống chủ lực như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, đẳng sâm, đan sâm, hà thủ ô đỏ...

Đáng chú ý là loài sâm Puxailaileng trên đất Kỳ Sơn được phát hiện trên núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700m. Giống sâm này được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng ngang bằng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Hơn thế, lần đầu tiên tại Nghệ An giống sâm Puxailaileng được nhân giống từ mô tế bào với tỷ lệ thành công khoảng 30%.

Bảo tồn cây dược liệu và tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng cao Nghệ An ảnh 1

Cây sâm 7 lá 1 hoa đang phát triển tốt trong vườn trồng của công ty dược Mường Lống.

Mô hình trồng dược liệu của Công ty CP Dược liệu Mường Lống (thuộc Công ty CP Dược liệu TH) ở Na Ngoi, đến nay đã mở rộng được 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Anh Lầu Bá Trong, người dân trồng dược liệu ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây, ở địa phương không có việc làm, anh phải đi lao động tận ngoài Bắc. Mỗi tháng, anh có thu nhập 6 - 7 triệu đồng. Trừ chi phí đi lại, ăn ở, số tiền còn lại rất ít. Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty không có việc làm, anh phải trở về quê. “Tôi may mắn được nhận vào Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống làm việc. Được đào tạo kỹ thuật, làm việc gần nhà với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Đây là niềm mơ ước của nhiều thanh niên trong vùng”, anh chia sẻ.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trước đây, bà con có tập tục đốt nương làm rẫy khiến những cánh rừng thu hẹp dần. Trong khi trình độ, nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, việc lựa chọn cây trồng phù hợp gặp nhiều khó khăn. Cùng với xu thế sử dụng dược liệu từ thiên nhiên, người dân địa phương cùng một số doanh nghiệp đã bắt đầu thí điểm trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Bảo tồn cây dược liệu và tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng cao Nghệ An ảnh 2
Các nhà khoa học đã ban đầu thống kê Nghệ An có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau.

Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu TH cho hay, doanh nghiệp luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ những người nông dân vốn chỉ biết làm nương, làm rẫy, người lao động được tuyển làm công nhân, được đào tạo các kỹ thuật canh tác hiện đại, kỹ năng sản xuất trong nhà xưởng, nâng cao năng lực. Đặc biệt, công ty cũng chủ trương tạo các mô hình sản xuất điểm để người dân tham quan học hỏi, từ đó, có thể tự sản xuất với sự đồng hành của doanh nghiệp trong cả vấn đề kỹ thuật và thu mua, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngay trên chính ruộng nương của mình.

Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng còn khó khăn; ngoài tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất dược liệu, thì tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại có giá trị.

MỚI - NÓNG