Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng

TPO - Sáng 21/7, báo Tiền Phong tổ chức hội nghị gặp mặt cộng tác viên báo Tiền Phong tại khu vực Hà Nội. Nhiều chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, chuyên gia văn học nghệ thuật, nhà báo... tham gia hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong khẳng định cộng tác viên đóng vai trò rất quan trọng với báo Tiền Phong. 

Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng ảnh 1

Toàn cảnh buổi gặp mặt

“Hôm nay, báo mời các cộng tác viên ở ba lĩnh vực. Một là các chuyên gia làm công tác tư vấn về định hướng phát triển; hai là các cộng tác viên có đóng góp trực tiếp tin, bài, tranh ảnh, truyện cho tòa soạn. Đây là lực lượng đông đảo và gần như hàng ngày đều có đóng góp. Thứ ba là các chuyên gia trên các lĩnh vực để báo Tiền Phong có thể trao đổi, phỏng vấn, hỏi ý kiến về các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội”, ông Sơn nói.

Theo ông Lê Xuân Sơn, nếu thiếu đội ngũ cộng tác viên, chất lượng tờ báo sẽ giảm đi nhiều vì cộng tác viên có kiến thức sâu rộng và nhiều khi là đầu nguồn cung cấp thông tin cho báo chí.

Ông Sơn cũng nêu khái quát về tình hình phát triển của báo Tiền Phong, đồng thời mong muốn các cộng tác viên tư vấn, góp ý định hướng phát triển báo, đặc biệt là báo điện tử trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay và sự “đe dọa” của mạng xã hội.

Góp ý tại hội nghị, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, báo Tiền Phong trong những năm vừa qua vẫn tiếp tục phát triển, đứng vững trước nhiều thách thức và có được sự tín nhiệm của bạn đọc, xứng đáng là một trong những tờ báo hàng đầu ở Việt Nam.

“Tôi thấy cùng với việc truyền đạt chủ trương chính sách, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, tôi nghĩ rằng báo chí nói chung, trong đó có báo Tiền Phong là công cụ quan trọng nhất để chống tham nhũng. Tất cả vụ tham nhũng lớn thì đều tìm ra nhờ báo chí. Vừa qua các vị lãnh đạo rất biểu dương báo chí”, ông Lưu Bích Hồ nói. 

Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng ảnh 2

Ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Lưu Bích Hồ kỳ vọng, việc này được làm ngày càng tốt hơn. “Báo chí dám mạnh dạn đưa ra, chứ các cơ quan, tổ chức muốn đưa ra cũng khó, vì có sự ràng buộc, hạn chế. Nhiều khi các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị kiểm điểm lại không vấn đề gì cả. Đó là vấn đề rất hay mà chúng ta cần phải phát huy mạnh hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Bích Hồ, trong vấn đề này, báo chí nói chung và báo Tiền Phong nói riêng phải đứng trước thách thức rất lớn, bởi đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực có nhiều rủi ro. “Đề nghị Tiền Phong tiếp tục đi đầu, giương cao ngọn cờ Tiền Phong trong lĩnh vực này”, ông nhấn mạnh.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh đánh giá cao việc báo Tiền Phong mời các cộng tác viên về gặp mặt, trong đó có cả những cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở các đơn vị quân đội, biên phòng. 

Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng ảnh 3

Chuyên gia Lê Đăng Doanh

Theo ông Doanh, trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội, báo Tiền Phong cần tham gia vào mạng xã hội như một đại diện cho tiếng nói của thế hệ trẻ. “Lớp trẻ bây giờ khác với trước. Họ có nhiều thông tin, quan tâm nhiều lĩnh vực. Điều mong đợi của họ là báo hãy nêu sự thật về các vụ việc và có chứng minh rõ ràng.

Báo Tiền Phong có thể bổ sung thêm video clip, phóng sự vụ việc, để giới trẻ cảm nhận được đây là tờ báo nói tiếng nói của mình, bảo vệ được mình, nói tiếng nói của người trẻ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền”, ông Doanh nói.

Ông Doanh lấy ví dụ cụ thể về trường hợp một trung tướng giơ thẻ và xúc phạm cán bộ cảnh sát giao thông vừa qua nhận được quan tâm rất lớn của dư luận. “Cần làm rõ đúng sai ra sao. Ông tướng giơ thẻ như thế thì cần chứng minh rõ ràng, xử lý ra sao. Đó là chuyện người ta quan tâm. Rất tha thiết mong báo Tiền Phong tiên phong đưa lên các vụ việc, nói lên sự thật, làm rõ sự thật, làm rõ ngóc ngách vấn đề. Từ trước đến nay, báo Tiền Phong đã có những đóng góp đáng kể về vấn đề này”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng đánh giá cao báo Tiền Phong có các chương trình đề xuất, tôn vinh các bạn trẻ trong nhiều lĩnh vực. "Bây giờ môi trường kinh doanh khó. Một đất nước muốn phát triển thì phải dựa vào doanh nghiệp, thúc đẩy bạn trẻ dấn thân vào doanh nghiệp, dấn thân vào kinh tế. Chúng ta đang sống trong cách mạng công nghiệp 4.0. Khoảng 12 năm trước, khi ngồi họp ở đây thì mới chỉ có chụp ảnh bằng phim, bây giờ thì có máy ảnh số rồi, không mất tiền rửa ảnh nữa.

Báo Tiền Phong phải chủ động, chấp nhận thay đổi. Hãy mở rộng thêm cộng tác viên khoa học công nghệ để đi tiên phong về khoa học công nghệ. Kết nối những người ở nước ngoài, người Việt yêu nước ở nước ngoài. Báo Tiền Phong có thể sử dụng các công cụ kết nối giữa các cộng tác viên trong nước và ngoài nước, có thể tổ chức tọa đàm không cần mời đến tận nơi, làm báo Tiền Phong gần giới trẻ hơn, tiên phong bảo vệ chủ quyền đất nước”, ông Doanh đề nghị.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, báo Tiền Phong đã làm được rất nhiều, không cần phải kể lại. “Báo Tiền Phong với vai trò vị thế của mình nên có dấu ấn hơn nữa để khẳng định chất trẻ, chất thanh niên của báo. Có rất nhiều cái báo Tiền Phong có những cái đi đầu. Ví dụ về chống tham nhũng. Tôi tin rằng, với độ vững chắc về chính trị, với bản lĩnh của Ban Biên tập báo Tiền Phong thì có đủ bản lĩnh để lựa chọn vấn đề để dám làm dám đi sâu về vấn đề”, ông Ánh nói.

Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng ảnh 4

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Ông Ánh cũng đề nghị báo nên có chuyên trang về Khởi nghiệp để cùng phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của giới trẻ. Đồng thời, thay đổi báo giấy bằng các nội dung chuyên đề sâu.

“Hiện nay, tôi gần như không đọc báo giấy, vì tôi chạy theo thông tin và đọc báo mạng. Báo giấy phải làm sao để bạn đọc lưu giữ lại. Tôi tin rằng chỉ một năm có hơn 300 số báo mà tôi lưu giữ được 5 – 10 số thì báo giấy tiếp tục tồn tại và phát triển được”, ông Ánh nói. Ông Ánh cũng cho rằng, quan trọng nhất là báo Tiền Phong phải có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, nhận “giải thưởng” là sự tán dương từ bạn đọc.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, báo Tiền Phong đã có truyền thống, lịch sử lâu đời và đã mang tên Tiền Phong thì lúc nào cũng phải đi đầu. “Rất mong báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp góp ý với cơ quan nhà nước vì báo chí đứng ngoài khách quan hơn. Chính phủ đang xây dựng theo hướng kiến tạo, liêm chính thì báo chí nên đồng hành để giảm tiếng kêu của doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Báo Tiền Phong cần tiếp tục tiên phong chống tham nhũng ảnh 5

CTV Băng Phương

Cộng tác với báo Tiền Phong ở mảng người lính, anh Băng Phương cho rằng, thanh niên quân đội tiếp cận rất nhiều thông tin về đời sống giới trẻ, đời sống quân ngũ qua báo Tiền Phong. “Hầu như đoàn viên, thanh niên trong quân đội đều mong đến thứ 4 có trang Hành trang Người lính. Chúng tôi mong muốn báo Tiền Phong có nhiều nội dung, chuyên để trẻ hơn nữa và ưu tiên cho giới trẻ trong quân đội.

Mặc dù báo chuyên ngành có nhiều rồi, nhưng Tiền Phong luôn được anh em trẻ trong quân đội rất mong đợi, nhưng một tuần có một trang người lính, đầu báo mới chỉ cấp đến đại đội, nhiều khi mang cả tờ báo ra thao trường để đọc. Trong khi đó, một tuần có một trang, nắm bắt được hết các hoạt động của thanh niên quân đội thì rất khó”, anh Phương nói.

Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Họa sĩ Đỗ Đức, nhà báo Đỗ Sinh (Thông tấn xã Việt Nam), Giảng viên Trần Khắc Thảo (ĐH Thủy Lợi), nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành. Các ý kiến đều cho rằng, Tiền Phong nên trẻ hóa thông tin, nội dung, đồng thời phát triển truyền thông đa phương tiện, đồng thời đi đến cùng các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.

Phát biểu kết luận hội nghị, nhà báo Lê Xuân Sơn trân trọng các ý kiến đóng góp của các cộng tác viên về cách thức đưa thông tin; việc đào tạo đội ngũ để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay và giữ được bản sắc của báo chí của Đoàn thanh niên, của tuổi trẻ.

Theo ông Lê Xuân Sơn, hiện nay, báo Tiền Phong tiếp tục tập trung vào các vấn đề nóng bỏng, phản biện xã hội, đặc biệt đấu tranh chống tiêu cực, tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. “Từ năm ngoái đến nay, báo Tiền Phong đi vào nhiều vấn đề nóng, thậm chí đi đầu về nhiều vụ việc như tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, sai phạm trong bổ nhiệm ông Bùi Đình Duy... hay vụ việc “hot girl Thanh Hóa”, ông Sơn nói.

Tổng biên tập Báo Tiền Phong cũng cho biết, Báo đã tập trung làm sâu nhiều vấn đề để tránh sức ép của báo điện tử và mạng xã hội đồng thời đào tạo phóng viên, biên tập viên cho phù hợp với tác nghiệp báo chí trong điều kiện mới. “Tiền Phong cũng phấn đấu để làm mới mình hơn nữa. Không hẳn phải thay đổi diện thông tin đưa nhưng sẽ nhìn nhận trẻ trung hơn nữa, cách viết trẻ trung hơn nữa”, ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG