Bão số năm có thể vào Bắc Bộ

Bão số năm có thể vào Bắc Bộ
TP - Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão số 5 rất mạnh đi vào biển Đông và có khả năng đổ bộ khu vực Bắc Bộ cuối tuần này, trong khi hệ thống sông Tiền, sông Hậu ở Nam Bộ có lũ lớn.

Tuổi trẻ Hà Tĩnh giúp dân thu hoạch lúa chạy bão
> Bão số 4 vào Trung bộ, hình thành bão số 5

Vẫn cấm tàu ra khơi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTVTƯ), cảnh báo đầu tiên là nguy cơ lũ chồng lũ tại các tỉnh Trung Trung Bộ vừa hứng chịu mưa to do bão số 4. Không gây gió mạnh nguy hiểm nhưng bão số 4 trước khi tan trên vùng miền trung nước Lào, hôm qua, đã gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm. Riêng ở thượng nguồn sông Hương trên 300 mm. Mưa do bão đã làm lũ các sông lên nhanh, phần lớn các sông lên mức BĐ1 và BĐ2, riêng sông Hương trên BĐ2 và Kiến Giang xấp xỉ BĐ3, gây ngập úng ở nhiều vùng trũng.

Các khu vực này sẽ lại có mưa to vào cuối tuần khi bão Nesat, vào biển Đông lúc trưa qua và trở thành bão số 5, đổ bộ vào nước ta nếu quỹ đạo di chuyển của nó được dự báo cho đến tối 27-9 không thay đổi.

Trong 1-2 ngày tới bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20-25 km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Như vậy khoảng sáng sớm ngày 30-9, bão Nesat sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ; chiều tối và đêm 30-9, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trước mắt trong 2-3 ngày tới, do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội rất nguy hiểm đối với tàu thuyền.

Ngày 27-9, Trung tâm DBKTTVTƯ phát bản tin thông bão lũ đặc biệt lớn trên sông Cửu Long. Dự báo, trong 2 – 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm dần. Đến ngày 1-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,9m, trên BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,25m, trên BĐ3: 0,25m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,3m, dưới BĐ3: 0,1m. Tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên sẽ đạt đỉnh đợt này vào ngày 28 và 29-9 và ở trên mức BĐ3 từ 0,2 – 0,4m, sau đó xuống dần theo kỳ triều thấp. Trung tâm DBKTTVTƯ khuyến cáo cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.

Trong cuộc họp sáng 27-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ tàu thuyền, không cho ra khơi mặc dù bão số 4 đã tan; các tàu đang hoạt động ngoài khơi cần nhanh chóng di chuyển vào bờ, kể cả các tàu đang hoạt động ở Hoàng Sa; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của bão để chủ động đối phó.

Đồng Tháp: Sụt cầu, chìm tàu thủy văn, liên tiếp vỡ đê

Ngày 27-9, một nhịp cầu Trà Đư trên tỉnh lộ 841 ở phường An Lạc (TX Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã sụp xuống do nước lũ, làm ách tắc giao thông. Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 26-9, trên kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng thuộc địa phận phường An Lộc (TX Hồng Ngự), một chiếc xà lan do nước lũ lên cao nên lùi tránh cầu đã húc chìm ghe của Trung tâm Thủy văn ĐBSCL đang làm nhiệm vụ.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về cùng mưa lớn, mấp mé nhiều đê bao ở Đồng Tháp, đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa thu đông. Ở huyện Tân Hồng, mực nước sáng 27-9 đã lên 5m17, cao hơn 17 cm so với ngày hôm trước. Tại xã Tân Thành A, khoảng 2 giờ sáng ngày 27-9, lực lượng tuần tra phát hiện nước từ bên ngoài rò qua đê bao vào đồng ruộng, đã phải cho thợ lặn tìm vị trí để xử lý. Tại xã Tân Hộ Cơ, tuyến đê bao cánh đồng ấp Gò Bói bảo vệ 300 ha lúa bị rạn nứt giữa mặt đê dài khoảng 100m. Nhiều nơi, nước đã xuyên ngầm qua đường đan để vào ruộng lúa.

Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 27-9, đoạn đê bao khu vực cống tiêu thoát nước Bà Bếp Vĩnh thuộc xã An Hòa, huyện Tam Nông đã bị vỡ với chiều dài hơn 10m. Tiếp đó, khoảng 16 giờ ngày 27-9, tuyến đê bao K91 bảo vệ 355 ha lúa 30 ngày tuổi ở ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng cũng đã bị vỡ. 600 người cùng các phương tiện cơ giới được huy động để cứu khẩn cấp…

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký công điện khẩn về việc ứng phó với lũ đặc biệt lớn. Ngành Giáo dục Đồng Tháp đã cho 228 lớp thuộc 36 điểm trường với 5.509 học sinh mầm non, tiểu học, THCS tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự nghỉ học tránh lũ.

Quảng Trị: Nước lũ dâng cao

Ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã gây mưa lớn trong hai ngày qua ở Quảng Trị. Lượng mưa đo được tại Hải Tân là 591mm, Hải Sơn 759mm, Cửa Việt 519mm. Đến chiều tối 27-9, mực nước trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Ô Lâu vượt báo động 1, xấp xỉ báo động 2.

Hiện tỉnh Quảng Trị đang triển khai các biện pháp cấp bách đối phó cơn bão số 5, như chuẩn bị 54 tấn gạo tẻ, 24.000 thùng mỳ ăn liền, 18.000 chai nước tinh lọc, 19.000 lít xăng, 19.000 lít dầu sẵn sàng cung ứng khi các địa phương có nhu cầu. Các huyện ven biển Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh chủ động phương án 4 tại chỗ, có kế hoạch di dời người dân từ nơi thấp lên cao, chằng chống nhà cửa và neo đậu thuyền chắc chắn. Thành lập lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng cứu triển khai phương án sơ tán dân tránh bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Nghệ An: An toàn cho người dân là trên hết

Văn phòng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An có tất cả 4.323 tàu thuyền với 19.453 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của cơn bão Nesat và đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh Nghệ An đã triển khai phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, nếu nước dâng 1-3m thì phải sơ tán gần 10.000 hộ với 54.000 dân. Ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và người dân cần theo dõi sát tình hình, dự báo của cơ quan chuyên môn, đặc biệt mưa sau hoàn lưu bão để có phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và mưa lũ kéo dài, nhất là trong điều kiện chưa khắc phục xong những thiệt hại do các đợt mưa bão trước gây ra. Phải đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân là trên hết”.

Hà Tĩnh: Tuổi trẻ giúp dân thu hoạch lúa

50% tổng diện tích lúa hè thu ở Hà Tĩnh đã chín chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng. Tỉnh Đoàn chỉ đạo đồng loạt các cơ sở Đoàn huy động đoàn viên thanh niên tăng cường xuống cơ sở giúp dân thu hoạch lúa hè thu và phòng chống bão.

Tại huyện Nghi Xuân, Huyện Đoàn thành lập 5 đội Thanh niên tình nguyện với sự tham gia của 200 ĐVTN giúp bà con thu hoạch hơn 80 sào lúa hè thu ngập lụt. Thành lập 19 đội thanh niên xung kích giúp 100 hộ gia đình neo đơn già cả, gia đình chính sách giằng néo nhà cửa, thu dọn, vận chuyển tài sản chuẩn bị tránh bão.

78 thanh niên tình nguyện huyện Hương Sơn dùng 8 máy gặt giúp 30 hộ dân 3 xã Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Giang thu hoạch hơn 30 sào lúa. Huyện Đoàn Đức Thọ huy động 235 ĐVTN giúp bà con nhân dân thu hoạch được 5ha lúa hè thu, giằng néo, chống đỡ 28 ngôi nhà và di chuyển hàng chục tấn lương thực.

Tại Vũ Quang, 100 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong đội thanh niên xung kích của các xã, thị trấn tổ chức giằng néo 25 ngôi nhà, di dời hơn 50 tấn lương thực, vật dụng cho các gia đình chính sách, neo đơn, gia đình dọc sông suối có nguy cơ sạt lở cao.

Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh chủ động chuẩn bị thuyền bè, cuốc, xẻng, dự trữ nước ăn, lương thực, chất đốt.... Thành lập các đội xung kích từ 10 - 15 người ứng cứu giúp nhân dân thu gặt mùa màng, kịp thời khắc phục, giải quyết hậu quả bão số 4 gây ra và tiếp tục đối phó bão số 5.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.