Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết, đề phòng cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nghệ An, địa phương đã lên phương án phòng chống bão.
"Hơn 200 tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn đều đã về chỗ neo đậu tránh bão an toàn. Những hộ dân kinh doanh dọc bãi biển cũng được yêu cầu không bám trụ lại sau khi chằng chéo nhà cửa để đảm bảo an toàn", ông Hùng nói.
Từng đợt sóng lớn cao 3-5m ở thị xã Cửa Lò |
Người dân thị xã Cửa Lò chằng chéo nhà cửa, hàng quán dọc bãi biển, đảm bảo an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ.
Tại các lồng bè nuôi cá, ngư dân chằng chéo để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại. Nhiều ngư dân cũng vội vã kéo thuyền thúng từ dọc bãi biển lên đường để tránh bị sóng đánh hư hỏng.
Sóng biển đánh mạnh vào bờ |
Khu vực này hiện đang xuất hiện từng đợt mưa lớn, sóng biển cao 3-5 m liên tục ập vào bờ khiến người dân lo lắng tình trạng sạt lở, đánh vỡ bờ kè lại tái diễn như năm 2020.
Từ tối 13/10, điểm đón công dân từ miền Nam trở về Nghệ An tại núi Dũng Quyết, TP Vinh, Nghệ An cũng đã được di dời đến Bến xe Miền Trung. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho bà con trước thời điểm bão số 8 đổ bộ. Tại đây, lực lượng chức năng cũng đã bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm… cho người dân trong trường hợp có mưa lớn.
Thuyền thúng vào bờ trú bão |
Nghệ An có nhiều hồ, đập; trong đó, có nhiều hồ nhỏ, ách yếu, lâu đời; 1.035/1.061 hồ, đập đã đầy nước, đáng lo ngại khi bão đổ bộ và mưa lớn do hoàn lưu của bão.
Ngoài ra, Nghệ An hiện còn 33 điểm sạt lở; tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Năm 2020, nhiều bờ kè của biển Cửa Lò bị hư hỏng do mưa bão. |
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, hồ đầy nước. Đồng thời yêu cầu Sở Công Thương Nghệ An chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn.