Theo đó, tính đến 7 giờ (ngày 14/9), phương tiện đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An là 887 phương tiện/6378 lao động. Phương tiện đang hoạt động ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung là 138 phương tiện/1265 lao động. Số phương tiện đang neo đậu tại bến 2991 phương tiện/ 10898 lao động. Tất cả phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 10.
Về sản xuất nông nghiệp, lúa hè thu đã thu hoạch được 100%, lúa mùa đã thu hoạch được 26,15%; diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch được 2.726ha/20.758ha. Nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước lớn là 696 lồng.
Tình hình vận hành hồ chứa trên địa bàn tỉnh có trên 625 hồ đập lớn nhỏ. Các hồ chứa đều đảm bảo an toàn, tuy nhiên nếu bão đổ bộ vào, mưa lớn thì các hồ chứa đều rất nguy hiểm. Các nhà máy thủy điện đã vận hành thử các cửa tràn, các công trình xây dựng cơ bản đã triển khai thi công vượt lũ.
Trong cuộc họp sáng ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, ban ngành, UBND các huyện thực hiện quyết liệt, khẩn trương có hiệu quả theo công điện của Trung ương và tỉnh.
Như Tiền Phong đã cập nhật mới nhất, cơn bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12 đến 13; giật cấp 15, nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.
Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 di chuyển nhanh với cường độ rất mạnh, được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình, bão kèm theo mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200 – 300mm. Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ sáng ngày 14/9, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự kiến bão sẽ vào đất liền trong 24 giờ tới.