Ở Ukraine, việc huy động người dự bị vừa được đơn giản hóa. Điều này diễn ra khi Kiev bày tỏ lo ngại về tình hình trầm trọng thêm ở vùng Donbass đang có chiến sự giữa quân ly khai và lực lượng chính phủ.
Hãng tin RIA Novosti của Nga đã tìm hiểu vì sao tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà theo hãng tin Nga đã từng "quay lưng" với nghĩa vụ quân sự, lại ký vào đạo luật này.
Theo báo cáo của Văn phòng báo chí phủ Tổng thống Ukraine, luật mới "sẽ cho phép chúng tôi điều động các đơn vị quân dự bị, xây dựng nhanh chóng và tăng nhanh tiềm lực chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ”. Giờ đây, chỉ huy tối cao sẽ có thể triệu tập những người đã ký hợp đồng phục vụ trong lực lượng dự bị và những người từng nhập ngũ vào lực lượng dự bị quân sự trên cơ sở bắt buộc.
Đồng thời, những người lính dự bị, lính nghĩa vụ, sẽ được đưa vào hệ thống thông tin và viễn thông tự động "Oberig".
Ngoài các ưu tiên (được hứa hẹn cơ hội việc làm và giáo dục), những người lính dự bị của Ukraine cũng bị trói buộc bởi chế tài. Như Văn phòng Tổng thống Ukraine đã làm rõ, "các yêu cầu về trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự, cố ý làm hư hỏng hoặc thiếu trách nhiệm hoàn tất các giấy tờ văn bản đăng ký quân sự cũng đã được cập nhật”. Những người trốn tránh nghĩa vụ trong thời kỳ đặc biệt cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hồi tháng 3, một chiến lược quân sự mới đã được thông qua ở Kiev. Theo đánh giá của tài liệu này, kịch bản về một cuộc chiến tranh trong tương lai đối với Ukraine là không mấy thuận lợi. Văn bản đề cập các cụm từ "bảo vệ lãnh thổ", "phong trào kháng chiến" và "sự chuẩn bị của người dân để bảo vệ nhà nước”.
Ukraine không tìm cách đạt được sự ngang bằng về quân sự với Nga, vì điều này "sẽ dẫn đến việc quân sự hóa quá mức nhà nước và làm suy kiệt nền kinh tế quốc gia”. Nga được coi là một đối thủ quân sự, bị cáo buộc "áp dụng một cách có hệ thống các phương tiện chính trị, kinh tế, thông tin-tâm lý, không gian, mạng và các phương tiện khác”.
Theo RIA Novosti, mục đích chính của luật dự bị ở Ukraine là có thể bổ sung quân số mà không cần thông báo điều động. “Xét cho cùng, việc huy động và nhập ngũ là một vấn đề lâu dài đối với các lực lượng vũ trang Ukraine”, hãng tin Nga viết.
Sau khi bùng nổ chiến sự ở Donbass, đã có một đợt huy động quân dự bị ở Ukraine, nhưng không thành công lắm. Theo hãng tin Nga, vào năm 2017, Dmitry Tymchuk, người phụ trách công tác tuyên truyền quân sự của chính phủ Ukraine, giải thích: "Sau sáu đợt huy động cục bộ, người dân đã quá mệt mỏi khi phải tổ chức những sự kiện như vậy, nói chung, người Ukraine chỉ đơn giản là mệt mỏi với chiến tranh”. Và ông thừa nhận rằng "buộc mọi người phải chiến đấu dưới cây gậy cũng không phải là lựa chọn tốt nhất”. Các phương tiện truyền thông đã viết về những người trốn nghĩa vụ quân sự chạy qua Nga hoặc các nước khác.
Tổng thống tiền nhiệm Petro Poroshenko từng đảm bảo rằng những người được huy động sẽ không được gửi đến khu vực chiến đấu. "Các lực lượng vũ trang của Ukraine phải được cung cấp đầy đủ các tình nguyện viên, binh sĩ hợp đồng", ông được RIA Novosti dẫn lời.
Phó tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine Vladimir Talalay cũng bác bỏ tin đồn huy động để chiến đấuc. Theo ông, quân đội Ukraine đang thiếu lính hợp đồng.
Nhưng vấn đề dường như vẫn còn tồn tại, bởi vì vào cuối năm 2018, chính ủy quân sự của Kiev đã thông báo rằng khoảng 80% những người thuộc diện nghĩa vụ ở thủ đô Ukraine đang trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và vào đầu năm 2020, Bộ Tổng tham mưu Ukraine ước tính số trốn quân dịch là 245.000 người.