Bảo hiểm y tế là trụ cột trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
Người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID - BHXH số trong khám chữa bệnh thay thế thẻ giấy.
Người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID - BHXH số trong khám chữa bệnh thay thế thẻ giấy.
TP - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng. Do đó, Đảng và Nhà nước xác định là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội nước ta. Quỹ BHYT giữ vai trò chia sẻ gánh nặng tài chính nếu không may người dân gặp rủi ro về sức khỏe.

Tấm thẻ đảm bảo sức khoẻ

Anh Nguyễn Văn Tuyên (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhớ lại, hơn 20 năm trước, anh đã không đứng vững khi nghe bác sĩ kết luận mắc bệnh Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền). Đó không chỉ là nỗi sợ bệnh tật khi suốt đời anh sẽ phải gắn với bệnh viện, còn là nỗi lo chi phí điều trị vô cùng đắt đỏ. Nhờ “phao cứu sinh” là thẻ BHYT đã theo anh suốt hơn 2 thập kỷ qua, đã giúp anh tiếp tục được sống bên gia đình, bạn bè.

“Bệnh của tôi tốn chi phí chữa trị hơn 2 tỷ mỗi năm, vượt quá sức chi trả của tôi và gia đình. Nhờ có thẻ BHYT, tôi đã được hưởng 100% chi phí điều trị, nếu không có thẻ BHYT chắc tôi không thể sống đến ngày hôm nay”, anh Tuyên nói.

Với chị Phạm Phương Trà (quận Thanh Xuân, Hà Nội), BHYT cũng mang lại sự sống cho chị suốt 3 năm qua sau một cơn tai biến mạch máu não. Chi phí điều trị của chị Trà trong suốt 1 năm được BHYT thanh toán hơn 140 triệu đồng. “Cuộc sống vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Mỗi người nên chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ mình, giảm gánh nặng cho người thân, gia đình nếu không may bệnh tật ập tới. Với người khỏe mạnh, tham gia BHYT là cách để chia sẻ cùng cộng đồng, hỗ trợ người gặp rủi ro bệnh tật”, chị Trà chia sẻ.

Trong nhiều năm qua, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả hầu hết chi phí khám chữa bệnh, có những trường hợp chi phí này lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, nhiều người đã vượt qua bệnh tật, nhiều gia đình không bị lâm cảnh nghèo khó khi có người thân chẳng may mắc bệnh, gặp tai nạn với các khoản chi phí y tế “khổng lồ”. Không chỉ giá trị vật chất, BHYT còn làm điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả trên dưới 100.000 tỷ đồng cho người dân khám chữa bệnh BHYT. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như Hemophilia, ung thư, tim mạch, suy thận... Từ nhiều năm nay, BHYT đã được phần lớn người tham gia xem là “phao cứu sinh”, “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu.

BHYT bảo vệ sức khoẻ toàn dân

Theo BHXH Việt Nam, những năm qua, người tham gia BHYT ở nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh và vượt các mục tiêu đề ra. Tới cuối năm 2020, toàn quốc đã có gần 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 90% dân số, vượt mục tiêu bao phủ BHYT theo Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị.

Danh mục thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh của Quỹ BHYT cũng ngày càng mở rộng, đáp ứng ngày càng tăng số người sử dụng BHYT trong khám chữa bệnh. Hiện bình quân mỗi năm BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 100 triệu lượt người. Trong đó, riêng năm 2020, BHYT đã thanh toán cho trên 167 triệu lượt người khám chữa bệnh, 6 tháng đầu năm nay thanh toán cho gần 76 triệu lượt người. Riêng nửa đầu năm, Quỹ BHYT đã chi hơn 49.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh của người dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19, Quỹ BHYT đã kịp thời tham gia thanh toán chi phí điều trị cho người không may mắc bệnh này.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới và hoàn thiện công tác phục vụ, thanh toán kịp thời chi phí khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Cùng với đó, cơ quan BHXH cũng tăng cường thanh kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT để đảm bảo tính ổn định của quỹ. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2021, BHXH Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin, tiến một bước dài khi người dân có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID - BHXH số trong khám chữa bệnh, từng bước thay thể BHYT giấy.

Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2015-2017, mỗi năm số người tham gia BHYT tăng trên dưới 10%, giai đoạn 2018-2020 tỷ lệ tăng khoảng 3%/năm. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT cả nước đạt 87,9 triệu người (tăng thêm hơn 23,3 triệu người so với năm 2014, tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90,8% dân số.

MỚI - NÓNG