Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: “Phao cứu sinh” của người nghèo

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến chiều 19/7 tại TPHCM.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến chiều 19/7 tại TPHCM.
TP - Chiều 19/7, báo Tiền Phong phối hợp Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo - Giải pháp tài chính dành cho cả gia đình”. Tại đây, các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe, bảo hiểm đã trả lời nhiều thắc mắc của bạn đọc gửi đến.

Không bi quan

Bệnh viện Ung bướu TPHCM trong cái nóng tháng 7, càng làm các phòng lưu bệnh thêm bức bối. Những bệnh nhân hốc hác, trên người gắn đầy dây truyền thở khó nhọc. Nhưng, bệnh nhân khổ 1 thì người nhà khổ tới 10. Bà Nguyễn Thị Thành (dân tộc Khơ-me) nói: “Gần nửa năm nay tôi lấy bệnh viện làm nhà, vừa chăm sóc con bị ung thư, vừa tranh thủ ai mướn gì làm nấy kiếm chút tiền mua thang thuốc cho con. Nhà có cái gì đều đem bán hết”.

Mới đây, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm toàn cầu có thêm khoảng 14,1 triệu người mắc bệnh ung thư, trên 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam có 75.000 người chết vì ung thư, 200.000 người chết vì các bệnh lý về tim mạch, 100.000 người chết vì đột qụy mỗi năm. Khi mắc các bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị thường tiêu tốn hàng chục triệu đến cả tỷ đồng.

Hơn nữa, từ tháng 6/2017, mức tăng giá viện phí mới áp dụng cho hơn 1.900 dịch vụ y tế lại càng thêm đè nặng lên các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khi họ chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, khiến gánh nặng chi phí điều trị đè lên vai. Nhiều trường hợp bệnh nhân và gia đình đành bỏ cuộc chữa trị giữa chừng vì không thể tiếp tục gánh đỡ chi phí điều trị.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam chia sẻ, khi mắc bệnh hiểm nghèo, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để điều trị. Có hàng trăm loại bệnh ung thư, từng giai đoạn, đa dạng vô cùng. Tuy nhiên, ung thư có thể phòng ngừa được nếu người dân tích cực tầm soát sớm, ngăn chặn khả năng bị ung thư, chi phí điều trị sẽ thấp, kết quả thành công cũng cao hơn. Vì vậy, “phao cứu sinh” hiệu quả nhất là bệnh nhân nên có bảo hiểm, có công ty tài trợ thì mới đủ khả năng tài chính.

Mặc dù thị trường bảo hiểm TPHCM ghi nhận có nhiều gói của bảo hiểm nhân thọ chi trả hàng chục loại bệnh hiểm nghèo. Nhưng, không phải ai cũng đặt niềm tin vào các sản phẩm này. Theo ông Doãn Thanh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm nhân thọ được hình thành từ 1996. Đến nay, có 18 công ty được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động, trong đó có những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhân thọ, đang cung cấp gần 400 sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu đa dạng cho người tham gia bảo hiểm. Trong đó, có hơn 20 sản phẩm bảo hiểm trực tiếp cho nhu cầu khám và điều trị khi không may mắc bệnh hiểm nghèo. “Hệ thống luật pháp đầy đủ, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước” – ông Tuấn khẳng định.

Ưu điểm

Theo ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giới thiệu các sản phẩm mới chuyên bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo, với phạm vi bảo hiểm rộng; điều kiện chi trả quyền lợi phù hợp với việc điều trị hiệu quả như: chi trả ngay một phần số tiền bảo hiểm khi khách hàng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp người bệnh có nguồn tài chính điều trị bệnh hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Ngoài ra còn có những dịch vụ gia tăng kèm theo như khám bệnh định kỳ để tầm soát bệnh hiểm nghèo, tư vấn y tế... “Có thể nói, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo như “cứu cánh” của người nghèo. Chúng ta đừng nghĩ rằng bảo hiểm này chỉ dành cho người giàu, người có tiền. Bởi theo tôi biết hiện nay, có nhiều sản phẩm bảo hiểm chia nhỏ gói để người có thu nhập trung bình cũng có thể sở hữu một gói bảo hiểm bảo vệ sức khỏe” – ông Dũng bày tỏ.

Gần đây, Công ty FWD giới thiệu gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo “Cả nhà vui khỏe” dành cho cả gia đình, với ưu điểm là chi trả lên tới 88 bệnh hiểm nghèo, bao gồm cả 3 bệnh hiểm nghèo phổ biến nhất (chiếm hơn 90% các tình trạng bệnh lý hiểm nghèo) như ung thư, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Chia sẻ về gói bảo hiểm đặc biệt này, ông Anantharaman Sridharan - Tổng Giám đốc FWD Việt Nam cho biết: Tham vọng của FWD là các thành viên trong gia đình có được sự chữa trị hợp lý, kịp thời cũng như mang lại sự an tâm về tài chính để những nỗi lo về bệnh hiểm nghèo không cản bước bạn theo đuổi đam mê và vô tư vui sống.

Ông Anantharaman Sridharan cũng cho hay, mỗi tháng chỉ cần dành tối thiểu 500.000 đồng tiết kiệm, mọi người đều có thể sở hữu gói chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Trường hợp mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, khách hàng sẽ nhận lại số tiền đã đóng cùng với tiền lãi được công bố hằng năm.

Theo các chuyên gia y tế, người dân nên thường xuyên kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, và có một giải pháp tài chính phòng khi mắc bệnh. Bảo hiểm sức khỏe là việc nên làm và ưu tiên thực hiện ngay khi còn trẻ.

MỚI - NÓNG