Bao giờ trường đại học có thể phong giáo sư?

ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng.
ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Mấy ngày nay, dư luận lại nóng lên khi Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM ban hành Quyết định về việc phong giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) danh dự cho các nhà khoa học có đóng góp cho trường. Theo lý giải của nhà trường thì quy định này chỉ dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần phải tiến tới thay đổi cách thức phong GS, PGS bấy lâu nay.

Trao đổi với Tiền Phong, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết cần phải phân biệt hai thuật ngữ: GS và GS danh dự. GS là chức danh nghề nghiệp, chức danh khoa học gắn với chức vụ, công việc. Còn GS danh dự gắn với danh hiệu để tôn vinh. 

GS danh dự các trường đều có thể trao tặng nhưng đối tượng thường dành cho người nước ngoài và có công trong hợp tác phát triển của trường. Ở nước ngoài, các trường ĐH còn có thể trao tặng cho các nhà hoạt động chính trị xã hội của nước đó và không ai trao tặng cho chính giảng viên của mình. “Như vậy GS danh dự không có giá trị về mặt học thuật nên không có tiêu chuẩn liên quan đến công việc. Nó chỉ là phần thưởng đánh giá công lao” - GS Đào Trọng Thi khẳng định.

Ở Việt Nam hiện nay, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đang có nhiệm vụ công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS. Nhưng người đủ tiêu chuẩn đó phải được một trường ĐH bổ nhiệm.

GS Đào Trọng Thi cũng cho biết trên thế giới, nhiều nước bổ nhiệm GS, không phong GS. Họ không cần phải có một hội đồng cấp nhà nước công nhận đủ tiêu chuẩn như Việt Nam. Một số nước làm như Việt Nam là công nhận mặt bằng tiêu chuẩn chung cả nước, bên cạnh đó có hệ thống các trường tự bổ nhiệm.

Khắc phục hạn chếhay giao quyền cho các trường

Theo bà Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục ĐH, chừng nào Hội đồng Học hàm Chức danh của Bộ GD&ĐT còn tồn tại, thì việc các trường tự phong/bổ nhiệm GS sẽ tạo ra những lẫn lộn không nên có. Không nên gán hai quan niệm, hai ý nghĩa khác nhau cho cùng một từ, vì về phương diện ngôn ngữ, điều này không chấp nhận được.

Cho nên cần lựa chọn dứt khoát một trong hai: hoặc là duy trì cách làm hiện nay với Hội đồng Học hàm Chức danh Nhà nước và cải thiện những bất cập, hoặc thay đổi quan niệm về học hàm GS và giao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm GS về cho các trường. Trong trường hợp thứ hai, nhà nước có thể quản lý quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm GS của các trường, hoặc chỉ cần yêu cầu các trường phải nêu công khai quy trình và tiêu chuẩn này, nhưng không can thiệp vào quyết định của các trường. Cách thứ hai phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

“Có một thực tế là, hiện nay quy trình phong học hàm PGS, GS có nhiều bất cập. Có những người đã được phong GS, nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục được giới học thuật. Tiêu chuẩn đề ra phức tạp nhưng không hợp lý, ví dụ đánh đồng giữa bài báo trong nước và tạp chí quốc tế. Cách bình chọn qua ba vòng cũng thiên về cảm tính, nhìn có vẻ nghiêm ngặt nhưng vẫn thiếu minh bạch, công khai. Quan trọng nhất là có những người đã được phong giáo sư, nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục được giới học thuật” - bà Ly nhận định.

Do đó, theo bà Phạm Thị Ly một số trường muốn thay đổi những điểm bất cập này và xác lập một quy trình, tiêu chuẩn gần hơn với thực tiễn quốc tế. Về nguyên tắc, những nỗ lực này cần được ủng hộ. Tuy vậy, cần phải nhìn vào việc làm thực tế của những trường này: quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm của họ là gì? Những ai hiện diện trong hội đồng xét chọn đánh giá? Kết quả bổ nhiệm cho những người nào, trên cơ sở những thành tích gì, kết quả này có nhất quán với quy trình và tiêu chuẩn mà họ đã đề ra, và  uy tín thực sự của những người được bổ nhiệm có sức thuyết phục hay không?…

Còn theo GS Đào Trọng Thi, ở Việt Nam phải có một Hội đồng chức danh GS để công nhận tiêu chuẩn chung, tránh sự chênh lệch giữa trường này với trường kia. Ngoài ra, một lý do khác được GS Đào Trọng Thi đưa ra là hiện nay, GS, PGS của Việt Nam đều trên một thang bảng lương chung nên với sự chênh lệch giữa các trường ĐH như hiện nay sẽ khó có thể để cho các trường tự bổ nhiệm. Vì thế phải có mặt bằng chung. Hội đồng đang có nhiệm vụ đánh giá những người đủ tiêu chuẩn. Còn bổ nhiệm là do các trường. “Tôi nghĩ, trong thời gian dài sắp tới, Việt Nam chưa thể làm như một số nước là để các trường ĐH tự bổ nhiệm GS, PGS” - GS Đào Trọng Thi nhận định.

Đại học Y Dược TPHCM sửa quy định “phong” thành “trao tặng”

Theo đó, quy định mới được ban hành về trao tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự thay vì “phong giáo sư, phó giáo sư danh dự” cho các nhà khoa học có tham gia hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với trường như trước đó.

Trước đó, ngày 14/9, trường Đại học Y Dược TPHCM đã ban hành văn bản quy định về phong giáo sư, phó giáo sư danh dự của trường. Tuy nhiên, quy định này ra đời đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc phong giáo sư và phó giáo sư danh dự của trường.

Sau đó vài ngày, trường Đại học Y Dược TPHCM đã điều chỉnh quy định  thành “trao tặng” thay vì “phong” như văn bản được công bố trước đó. Bên cạnh đó, ở quy định cũ chức danh được phong tặng là giáo sư và phó giáo sư danh dự, thì ở quy định mới gồm: giáo sư danh dự và tiến sĩ danh dự. Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng khẳng định quy định này chỉ dành cho người nước ngoài, là những nhà khoa học có nhiều đóng góp trong hoạt động hợp tác quốc tế với nhà trường.               

Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG